Nghề làm lễ ăn hỏi thời nay

10:05' - 11/02/2021
BNEWS Ngày nay, khi mà kinh tế ngày một phát triển thì hình thức trong lễ ăn hỏi cũng thay đổi theo xu thế mới, làm lễ ăn hỏi đã trở thành một nghề.

Theo tập tục, văn hóa của người Việt Nam, lễ ăn hỏi (hay còn gọi là lễ đính hôn) là một nghi thức truyền thống trước khi các đôi uyên ương tổ chức lễ cưới. Ngày nay, khi mà kinh tế ngày một phát triển thì hình thức trong lễ ăn hỏi cũng thay đổi theo xu thế mới, làm lễ ăn hỏi đã trở thành một nghề. Đến nay, dịch vụ làm ăn hỏi phát triển rộng rãi trên những khu vực của Hà Nội song phố cổ Hàng Than vẫn là nơi nổi tiếng và lâu đời nhất về bánh cốm và dịch vụ ăn hỏi trọn gói.

Chúng tôi đến cửa hàng nhà bà Loan, nằm trong con ngõ nhỏ số 38 Hàng Than - một trong những cửa hàng làm dịch vụ ăn hỏi trọn gói lâu nhất tại đây. "Miếng trầu là đầu câu chuyện" là câu mà bà Loan nói với chúng tôi trước khi chia sẻ về nghề làm dịch vụ lễ ăn hỏi trọn gói. Vốn xuất thân từ nghề bán cau tại chợ Đồng Xuân đã mấy đời, nay do tuổi cao nên bà Loan đã nghỉ ở nhà. Hiện các con, cháu bà vẫn tiếp tục nối nghiệp nghề truyền thống này. 

Bà Loan cho biết, nhận thấy nghề này có thể phát triển nên bà và các con đã quyết định mở cửa hàng nhận làm lễ ăn hỏi trọn gói và cũng là người tiên phong làm dịch vụ này trên phố Hàng Than. Dần dần, mọi người biết đến thương hiệu của bà Loan nhiều hơn. Mặc dù, nằm trong ngõ nhưng nhà bà Loan luôn đông khách trong mùa cưới (bắt đầu từ tháng 8 âm lịch đến sau Tết Nguyên đán).

 “Cành cau cho lễ ăn hỏi luôn phải thật đẹp. Một cành cau đẹp là phải có quả to đều, màu phải xanh, có râu..." - bà Loan chia sẻ. "Có rất nhiều người đến đặt lễ ăn hỏi cho con lần đầu không biết về các thủ tục như: trong các tráp lễ thì tráp nào đi trước, tráp nào đi sau? Các thủ tục cần thiết trong ngày ăn hỏi? Lại quả cho nhà gái như thế nào?... tôi đều tư vấn tỉ mỉ" - bà Loan kể.

Khi được hỏi vì sao các tráp lễ ăn hỏi lại có số lẻ như 5, 7, 9... mà không phải các số chẵn? Bà Loan cười và nói: "Ngày xưa, các cụ đã làm thế rồi và cứ truyền nhau cho tới ngày nay. Số lẻ cũng có ý nghĩa cho sự may mắn nữa. Ngay cả buồng cau cũng vậy, tôi đều phải tìm cho khách những buồng cau có số quả lẻ loi, để mang lại may mắn, hạnh phúc cho cô dâu, chú rể".

Nói về bánh cốm thì ở con phố này nổi tiếng nhất vẫn là bánh cốm hiệu Nguyên Ninh - một thương hiệu nổi tiếng cả trăm năm qua. Có mặt từ năm 1865, cụ tổ của dòng họ Nguyễn Duy là người đầu tiên làm ra chiếc bánh cốm. Cái tên "Nguyên Ninh" có hàm nghĩa bánh cốm sẽ mang trọn nguyên gốc làng Yên Ninh, do trước kia phố Hàng Than thuộc làng Yên Ninh, tổng Yên Thành, ngoại thành Hà Nội. Trải qua 6 đời làm bánh, chất lượng và uy tín của bánh cốm Nguyên Ninh vẫn được duy trì nhờ bí quyết riêng chỉ được truyền dạy cho con cháu trong nhà hơn 150 năm qua. 

Một nét mang nhiều ý nghĩa truyền thống nữa trong ngày ăn hỏi đó là những chiếc xích lô lọng vàng. Mỗi chiếc xích lô chở một tráp đồ lễ cùng người nhà chú rể đi thong dong qua những con phố từ nhà trai sang nhà gái.

Ngày nay, những chiếc xích lô lọng vàng đã dần được thay thế bằng ô tô hay xe điện, một phần là do quãng đường di chuyển quá xa, một phần là tiết kiệm thời gian. Hiện nay, nhiều gia đình vẫn sử dụng chiếc xích lô lọng vàng làm phương tiện di chuyển để giữ lại nét độc đáo của lễ ăn hỏi xưa.

Tuổi đã cao nên bà Loan hiện không ngồi ở cửa hàng mà thay vào đó là con trai bà tiếp quản công việc. Vừa sắp đồ lễ cho khách, anh Cường (con trai bà Loan) cho biết: "Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mình phải cập nhật và thay đổi mẫu mã liên tục. Nếu như trước kia, một lễ ăn hỏi trọn gói thông thường là từ 5 đến 7 tráp thì nay số lượng tráp tăng lên 9 hoặc 11, thậm chí hơn nữa tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng, mẫu mã cũng phong phú hơn ngày trước".

Trước đây, tráp ăn hỏi truyền thống là loại sơn son thiếp vàng, có nắp và được phủ tấm vải đỏ thêu hình chữ Song Hỷ hoặc hình con Rồng. Hiện nay, với các tráp ăn hỏi hiện đại, ngoài những vật phẩm truyền thống thì còn được bày thêm một số vật phẩm mới lạ, độc đáo khác như: lẵng hoa kết rồng phượng, mâm lợn sữa quay, mâm xôi gấc, mâm hoa quả tươi... Tất cả đều được trang trí kèm với hoa tươi đẹp và bắt mắt. Ngoài loại tráp gỗ hoa văn màu đỏ truyền thống thì xuất hiện nhiều kiểu dáng tráp ăn hỏi hiện đại và tân tiến.

Ngoài ra, các dịch vụ đi kèm theo như: dựng rạp, xích lô, ô tô, đội ngũ bê tráp... cũng có đầy đủ theo nhu cầu của khách hàng. Trước kia, đội ngũ bê tráp thường được huy động từ người nhà, bạn bè của hai bên nhà trai và nhà gái. Hiện nay, dịch vụ đội ngũ bê tráp đã được thực hiện một cách rất chuyên nghiệp, tất cả đều là học sinh, sinh viên đi làm thêm.

Đội ngũ bê tráp cũng được lựa chọn với tiêu chí như đồng đều về chiều cao, hình thức và cả trang phục... Khách hàng có nhu cầu thuê bao nhiêu người bê tráp thì các cửa hàng đều đáp ứng được. Hiện nay, đội ngũ nam bê tráp thường mặc trang phục áo dài khăn xếp, còn nữ vẫn mặc bộ áo dài truyền thống của Việt Nam.

Không chỉ làm dịch vụ ăn hỏi trọn gói, hiện nay rất nhiều cửa hàng nhận làm cả các dịch vụ trong lễ cưới như: đặt cỗ, thuê hội trường, chụp ảnh, quay phim... Anh Cường cho biết, giá thành cho một bộ lễ ăn hỏi trọn gói thông thường hiện nay khoảng từ 5 - 7 triệu đồng, tương ứng với 5 hoặc 7 tráp. Với số lượng tráp càng nhiều thì giá thành càng cao, tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục