Nghị viện châu Âu thông qua luật quản lý các công ty công nghệ lớn

15:13' - 16/12/2021
BNEWS Nghị viện châu Âu đã thông qua nội dung Đạo luật Thị trường kỹ thuật số được xây dựng nhằm siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh của các "gã khổng lồ" trong ngành công nghệ.

Nghị viện châu Âu (EP) ngày 15/12 đã thông qua nội dung Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (Digital Markets Act) được xây dựng nhằm siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh của các "gã khổng lồ" trong ngành công nghệ như Meta/Facebook, Alphabet Google, Amazon, Apple và Microsoft.

Theo nội dung công bố, Digital Markets Act (DMA) sẽ trao cho Liên minh châu Âu (EU) các quyền hạn chưa từng có để nhanh chóng hành động đối với các công ty công nghệ lớn nói trên, đồng thời đề ra quy định nghiêm ngặt về những điều "Được làm" và "Không được làm" trên các nền tảng mà các công ty này quản lý.

Trước đó, ngày 14/12, Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng và thị trường nội khối thuộc EP đã thông qua Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) bao gồm các quy định đảm bảo rằng các nền tảng trực tuyến phải chịu trách nhiệm về các thuật toán của mình, đồng thời có nghĩa vụ kiểm duyệt nội dung tốt hơn. Dự kiến, EP sẽ bỏ phiếu thông qua DSA trong tháng 1/2022.

Theo kế hoạch, DMA và DSA sau khi hoàn thiện về nội dung sẽ được gửi tới các thành viên EU trong vài tháng tới để quá trình thương lượng về hai văn kiện này được hoàn tất trong năm 2022, trước khi được các nước thành viên áp dụng đồng bộ.

Các công ty công nghệ lớn và các nhóm lợi ích khác đang vận động hành lang quyết liệt để có thể tác động đến nội dung đạo luật, trong khi các quốc gia thành viên EU thận trọng xem xét việc thông qua đạo luật, trong đó yếu tố quyết định là bảo vệ các ưu tiên quốc gia.

Pháp chủ trương hoàn tất các cuộc đàm phán và ưu tiên đưa DMA và DSA trở thành luật chính thức trong 6 tháng nước này đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của EU, bắt đầu từ ngày 1/1/2022.

Theo đánh giá của Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu, hai đạo luật này sẽ mang lại cho người tiêu dùng lợi ích lớn hơn từ các dịch vụ kỹ thuật số. Cơ quan này kêu gọi các quốc gia thành viên EU nhất trí với những nội dung trong đạo luật đã được các nghị sĩ châu Âu thông qua.

Hai dự luật của EU được cho là có thể thay đổi toàn bộ cách thức hoạt động của các "ông lớn" công nghệ tại châu Âu, bởi những điều khoản của hai đạo luật này hướng tới giải quyết hiệu quả nạn tin giả và phát ngôn thù địch trên mạng, cũng như ngăn cản các công ty này bành trướng tới mức độc chiếm thị trường, triệt tiêu cạnh tranh lành mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục