Nghiên cứu để khách hàng lớn trực tiếp mua điện từ thị trường

17:31' - 05/04/2019
BNEWS Các tổng công ty điện lực được phép mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện, hiện tỷ lệ này chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện thương phẩm từ các tổng công ty.
Các tổng công ty điện lực sẽ được phép mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 5/4, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, Cục Điều tiết điện lực đang phối hợp với các đơn vị tư vấn quốc tế để nghiên cứu, cho phép thí điểm một số nhà máy điện được bán điện trực tiếp cho các khách hàng điện.

“Thực hiện cơ chế thí điểm để tiến tới bán lẻ điện cạnh tranh dự kiến triển khai từ năm 2021”, ông Tuấn nói. Theo Bộ Công Thương, từ năm 2012, Bộ Công Thương đã chính thức triển khai thị trường phát điện cạnh tranh. Từ 1/1/2019, Bộ Công Thương chính thức triển khai vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Theo đó, các tổng công ty điện lực được phép mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện, hiện tỷ lệ các tổng công ty được mua chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện thương phẩm từ các tổng công ty.

Kể từ 1/1/2019, bên cạnh EVN là đơn vị mua điện thì có 5 đơn vị khác được mua điện trực tiếp từ các đơn vị cung cấp. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ từng bước nghiên cứu mở rộng thêm các nhà máy điện tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh, đồng thời, nghiên cứu các cơ chế để cho phép các khách hàng lớn trực tiếp mua điện từ thị trường điện.

Qua 3 tháng triển khai, Bộ Công Thương nhận thấy, khi triển khai thị trường điện thì vướng mắc chủ yếu liên quan cơ chế chính sách, về thuế, hạ tầng cơ sở vì số giao dịch trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã tăng đáng kể so với các giao dịch trước đây (trước đây là thị trường 1 người mua).

Bộ Công Thương cũng phải giải quyết vấn đề phối hợp trong vận hành, điều độ các nhà máy điện để làm sao đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, cung ứng điện đầy đủ cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các quy định.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức các khóa đào tạo huấn luyện cho các đơn vị mà vừa qua còn gặp những tồn tại, vướng mắc trong triển khai thị trường điện.

“Dự kiến, trong tháng 4/2019, Bộ Công Thương sẽ họp sơ kết 3 tháng vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh để tổng hợp các vướng mắc, vấn đề nào thuộc bộ thì triển khai tháo gỡ, còn vấn đề nào thuộc các đơn vị thì sẽ có chỉ đạo các đơn vị để triển khai tốt hơn thị trường này”, ông Tuấn nói.

Hiện nay trong thị trường điện, các nhà máy điện năng lượng tái tạo chưa tham gia trực tiếp thị trường bán buôn điện cạnh tranh, vì đối tượng tham gia là các nhà máy có công suất trên 30MW, như: thủy điện lớn, nhà máy nhiệt điện.

Đối với các nhà máy điện gió, mặt trời và thủy điện nhỏ dưới 30MW, đang áp dụng cơ chế cho phép phát điện tối đa và bên mua điện sẽ mua toàn bộ sản lượng điện do các nhà máy này phát lên lưới. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay, cần xem xét tới các khả năng tải của đường dây, đảm bảo các yếu tố điện áp, tần số...

Trước đó, từ ngày 1/1/2019, thị trường phát điện cạnh tranh đã chính thức chuyển sang giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM). Đây được xem là bước chuyển đổi căn bản, thay đổi mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh điện. Đồng thời, đem đến cơ hội tốt giữa bên mua và bán, cũng như người sử dụng điện.

Để tăng công suất nguồn cũng như khuyến khích các nhà máy điện tích cực tham gia thị trường điện, từ năm 2019, Bộ Công Thương yêu cầu tất cả các nhà máy điện khi ký hợp đồng với EVN từ ngày vận hành thương mại sẽ tham gia trực tiếp vào thị trường điện.

Đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế đưa các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu của EVN tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Về lâu dài, sẽ phải tính toán, xây dựng cơ chế khuyến khích các nhà máy điện năng lượng tái tạo tham gia thị trường phát điện…/.

>>> Các chuyên gia và doanh nghiệp nói gì về điều chỉnh giá điện?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục