Nghiên cứu chính sách tạo thuận lợi tiếp cận nguồn vốn tín dụng

18:36' - 18/09/2023
BNEWS Trong thời gian tới, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cần nghiên cứu cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn...

Ngày 18/9, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

 

Tại buổi khảo sát, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đề nghị: Trong thời gian tới, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cần nghiên cứu cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn; tích cực phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu phải pháp thu hồi nợ xấu; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, giao dịch không dùng tiền mặt; quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, tạo niềm tin, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong triển khai và nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương, cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng để thực sự đi vào cuộc sống.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hòa Bình tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động tiền tệ, tín dụng và kịp thời ban hành các văn bản chấn chỉnh tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống nhất là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn. Cùng với đó, tham mưu cho tỉnh thực hiện các cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình…

Các đại biểu tham gia buổi khảo sát đã thảo luận, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng và một số cơ chế chính sách liên quan đến quỹ tín dụng nhân dân như: Luật Các tổ chức tín dụng mới chỉ đề cập đến hoạt động ngân hàng điện tử, chưa đề cập đến ngân hàng số và chưa có quy định ngoại trừ việc chương trình, dự án tài chính vi mô ra ngoài các tổ chức không phải tổ chức tín dụng bị cấm thực hiện hoạt động ngân hàng.

Đồng thời, tổ chức tín dụng cũng chưa đề cập đến vấn đề tài sản đảm bảo khi cho vay các khoản vay đặc biệt; xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; thủ tục gia nhập thành viên quỹ tín dụng chưa phù hợp, làm mất cơ hội sản xuất, kinh doanh của người dân; việc thực hiện đóng góp Quỹ phòng chống thiên tai theo quy định hiện nay chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; việc tính, nộp thuế thu nhập cá nhân 5% lợi tức góp vốn (theo Luật Quản lý thuế) gây tốn kém, mất nhiều thời gian, công sức của các quỹ tín dụng…

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hòa Bình Ngô Quang Lợi đã đề xuất, kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các bộ, ngành liên quan. Đó là nghiên cứu có quy định cụ thể về nộp thuế lợi tức cổ phần đối với thành viên quỹ tín dụng nhân dân và nên chia thành hai mức nộp thuế lợi tức cổ phần. Cụ thể, nếu thành viên nào có thuế lợi tức cổ phần lớn từ 5 triệu đồng trở nên thì thực hiện nộp thuế theo đúng quy định; nếu dưới 5 triệu đồng thì không phải nộp thuế lợi tức cổ phần và số này được chuyển thành vốn góp vào quỹ tín dụng để tăng cường năng lực tài chính cho quỹ tín dụng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hòa Bình, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 chi nhánh cấp I của các tổ chức tín dụng như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện - Liên Việt, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank); Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh.

Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc chi nhánh cấp I như: 12 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thành phố; 3 chi nhánh thuộc thành phố Hòa Bình; 47 phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại và 151 điểm giao dịch của ngân hàng Chính sách xã hội; 4 quỹ tín dụng nhân dân; 3 Chương trình Dự án tài chính vi mô; 939 điểm giới thiệu dịch vụ của các công ty tài chính.

Tổng nguồn vốn trên địa bàn tỉnh tính đến 30/6/2023 đạt 43.419 tỷ đồng, tăng 7,3% so với 31/12/2022. tổng dư nợ đạt 35.713 tỷ đồng, tăng 4% so với 31/12/2022, tương đương mức tăng chung của toàn ngành ngân hàng (4,73%). Nợ xấu nội bảng (là những khoản nợ xấu vẫn đang được theo dõi trong nội bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng) là 415 tỷ đồng chiếm 1,16%/tổng dư nợ.

Các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã triển khai đầy đủ các chương trình, chính sách tín dụng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như: Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm và chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững...

Đối với các kiến nghị, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Đoàn khảo sát ghi nhận, tổng hợp để báo cáo cấp của thầm quyền xem xét, giải quyết, nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục