Nghiên cứu cơ chế đấu thầu, xác định giá với dự án điện gió chậm tiến độ

16:35' - 30/09/2021
BNEWS Đến tháng 8/2021 có 106 dự án điện gió sẽ vận hành thương mại, để kịp hưởng giá FIT theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 30/9, trả lời về vấn đề đề xuất gia hạn cơ chế giá FIT (giá cố định) cho những dự án điện gió chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến tháng 8/2021 có 106 dự án điện gió sẽ vận hành thương mại, để kịp hưởng giá FIT theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong số 106 dự án này, có 54 dự án thuộc thẩm quyền xem xét của Bộ Công Thương và trong 54 dự án đó, có hơn 30 dự án đã nhận hồ sơ để tiến hành nghiệm thu.

"Có nhiều dự án chủ đầu tư đã nỗ lực để đưa dự án kịp tiến độ vận hành thương mại trước ngày 31/10. Tuy nhiên, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng nhận được khá nhiều đề xuất của UBND các tỉnh, chủ đầu tư với nhiều lý do khác nhau không kịp tiến độ để hưởng giá FIT. Lý do chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chậm tiến độ các dự án", ông Dũng nói.

Theo Quyết định 39/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, sau ngày 31/10/2021, cơ chế giá FIT cho điện gió sẽ hết hạn, Bộ Công Thương có trách nhiệm nghiên cứu và đề xuất phương án đấu thầu, xác định giá đối với các dự án điện gió.

"Chúng tôi đang khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ với các dự án điện gió trong thời gian tới, với hướng phù hợp với Luật đầu tư, Luật đấu thầu, Luật giá, Luật điện lực. Trong tương lai, sẽ lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, việc chuyển dịch từ cơ chế giá cố định sang cơ chế đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư là xu hướng chung của thế giới và phù hợp với khuôn khổ pháp luật hiện hành của Việt Nam ở thời điểm này.

Cơ chế giá cố định là công cụ thúc đẩy tốt cho thị trường năng lượng tái tạo mới phát triển như tại Việt Nam. Theo kinh nghiệm thế giới, khi thị trường đã phát triển đến quy mô nhất định, việc chuyển sang cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ tốt hơn cho công tác quản lý và tăng độ minh bạch, cạnh tranh.

Ông Hoàng Tiến Dũng thông tin, trong thời gian vừa qua, có nhiều cơ quan báo chí đăng tải việc gia hạn giá FIT điện gió nhưng, Bộ Công Thương đính chính là không xem xét vấn đề này.

Còn các dự án trong cơ chế xây dựng, xem xét các tình huống dự án dở dang, không kịp đưa vào vận hành trước 31/10/2021 thì có cơ chế để xử lý, trên nguyên tắc là chi phí vốn đầu tư, bảo dưỡng, kỹ thuật nhà máy để thương thảo giá mua điện.

Về lộ trình thực hiện của Quy hoạch điện VIII, ông Dũng cho biết, đang tích cực rà soát, điều chỉnh các thông tin Quy hoạch điện VIII và Bộ cũng đã có văn bản gửi các đơn vị lấy ý kiến.

Sau khi rà soát hiệu chỉnh, đến 3/10, hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII sẽ họp thẩm định. Nếu được bỏ phiếu thông qua, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện để trình Chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục