Ngừng Dòng chảy phương Bắc 2 tác động thế nào đến việc phân phối khí đốt?

14:38' - 03/03/2022
BNEWS Nord Stream 2 AG, công ty điều hành tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga sang Đức, ngày 1/3/2022 đã buộc phải tuyên bố phá sản do lệnh trừng phạt của Mỹ.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cùng ngày cũng cho biết Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ không được chứng nhận trong tương lai gần. Vậy việc ngừng Dòng chảy phương Bắc 2 tác động thế nào đến việc phân phối khí đốt?

 

Đức đình chỉ chứng nhận dự án

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dài 1.230 km, trị giá 11,6 tỷ USD, kéo dài từ Ust-Luga (khu vực gần biên giới phía Tây của Nga với Estonia) tới Greifswald ở Đông Bắc nước Đức, nhằm cung cấp khí đốt tự nhiên đến trung tâm châu Âu thông qua Biển Baltic.

Khi Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga sang Đức, lên đến 110 tỷ m3/năm.

Hoàn thành vào tháng 9/2021, dự án này vẫn chưa thể đi vào hoạt động vì còn chờ hoàn tất thủ tục cấp phép của cơ quan quản lý Đức và các nước Liên minh châu Âu (EU).

Khi đi vào vận hành, đường ống này có thể vận chuyển mỗi năm khoảng 55 tỷ m3 khí đốt từ Nga tới Đức, cung cấp khí đốt cho khoảng 26 triệu hộ gia đình.

Theo các nguồn tin, công ty Nord Stream 2 AG "bị vỡ nợ và do đó không thể đảm bảo kế hoạch xã hội", mất khả năng thanh toán do lệnh trừng phạt của Mỹ.

Công ty không thể tiếp tục hoạt động và "phải nộp đơn xin phá sản", toàn bộ 106 nhân viên đã bị cho thôi việc.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 1/3 cho biết Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ không được chứng nhận trong tương lai gần.

Trước đó, sau khi Nga công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng tại miền Đông Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 22/2/2022 đã thông báo đình chỉ chứng nhận tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.

Đến ngày 23/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden ra lệnh cho chính quyền của ông áp đặt các biện pháp trừng phạt Nord Stream 2 AG và ban lãnh đạo công ty này để đáp trả các hành động quân sự của Nga ở Ukraine. Sau đó, công ty này thông báo buộc phải chấm dứt hợp đồng với nhân viên.

Về phần mình, cùng ngày 23/2, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, tuyên bố Nga “rất tiếc” về việc nhà chức trách Đức có ý định đình chỉ quá trình phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Ông Peskov tái khẳng định dự án đường ống dẫn khí đốt trên không liên quan và không nên có bất kỳ sự liên quan nào đến vấn đề chính trị.

Ông nhấn mạnh đây hoàn toàn là một dự án thương mại và kinh tế, đồng thời được coi là một yếu tố giúp ổn định thị trường khí đốt ở châu Âu, đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Đại sứ Nga tại Berlin Sergey Nechaev cũng thể hiện quan điểm tương tự, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng động thái của Đức chỉ là tạm thời, vì dự án trên rất cần thiết cho an ninh năng lượng của châu Âu.

Theo Đại sứ Nechaev, Chính phủ Đức đã luôn tuyên bố trước đây rằng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án thương mại, kinh tế đơn thuần và không liên quan đến các sự kiện chính trị. Nhưng hiện nay, quan điểm này rõ ràng đang thay đổi dưới sức ép liên tục từ bên ngoài.

Việc phân phối khí đốt bị ảnh hưởng thế nào?

Khoảng một nửa số hộ gia đình ở Đức hiện sưởi ấm bằng khí đốt tự nhiên. Liệu quyết định ngừng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có khiến người dân bị ảnh hưởng trong những ngày giá rét còn lại của mùa Đông không?

Theo các nhà phân tích, cho đến nay, chưa có nguồn khí đốt nào chảy qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.

Mặc dù việc xây dựng đã hoàn tất hồi năm 2021 nhưng đường ống vẫn đang chờ giấy phép từ các cơ quan chức năng của Đức.

Do đó, quyết định “đóng băng” dự án trên sẽ không làm cho lượng khí đốt nhập khẩu vào Đức bị giảm hơn. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tuyên bố rằng Đức có thể tăng nhập khẩu từ Na Uy và Hà Lan, những nhà cung cấp lớn thứ hai và thứ ba sau Nga.

Ngoài ra, Berlin có thể nhập khẩu thêm Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) mà Mỹ hiện là nhà xuất khẩu lớn. Hơn nữa, trong mùa Đông này, Đức có các kho dự trữ khí đốt tự nhiên lớn trong các hồ chứa ngầm dưới lòng đất.

Theo hiệp hội dự trữ khí đốt tự nhiên INES, Đức có 47 hồ chứa như vậy và hiện có khoảng 1/3 số hồ đã đầy.

Giới chuyên gia ước tính Đức có thể cầm cự cho đến mùa Thu vì vẫn còn khoảng 30 tỷ m3 dự trữ. Bên cạnh đó, Đức sẽ nhập khẩu thêm nhiều khí hóa lỏng và mức tiêu thụ trong những tháng mùa Hè tương đối thấp nên trước mắt không cần lo ngại.

Điều đáng quan ngại hơn là Nga có thể sẽ phản ứng bằng cách hạn chế nguồn cung thông qua các đường ống vốn đang cung cấp cho châu Âu chạy qua Ukraine và Ba Lan.

Đức phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, riêng khí đốt tự nhiên chiếm hơn 1/4 các nguồn năng lượng chính của nước này, trong đó khoảng 55% nguồn cung cấp được nhập khẩu từ Nga.

Vì vậy về lâu dài, việc Nga ngừng xuất khẩu sang Đức sẽ gây ra những hậu quả lớn đối với an ninh năng lượng.

Một nguy cơ khác nữa là việc “đóng băng” Dòng chảy phương Bắc 2 ảnh hưởng tới giá năng lượng do khan hiếm nguồn cung sẽ đẩy giá trên thị trường năng lượng châu Âu.

Giới chuyên môn dự báo giá trên thị trường năng lượng sẽ tăng đột biến trong ngắn hạn nhưng về trung hạn, thị trường sẽ nhanh chóng lắng xuống.

Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, giải pháp dài hạn để vượt qua sự tăng giá khí đốt là tăng tốc đầu tư vào năng lượng tái tạo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục