Người chăn nuôi Mỹ tận dụng "cơ hội" từ thị trường thịt lợn Trung Quốc

14:08' - 23/07/2019
BNEWS Giữa bối cảnh những căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington chưa được tháo gỡ, việc nông dân Mỹ tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Trung Quốc dường như là không thể.

Nhưng tác động khủng khiếp của dịch tả lợn châu Phi đối với ngành công nghiệp thịt lợn Trung Quốc lại trở thành một "cơ hội" không hề nhỏ đối với người chăn nuôi tại Mỹ.
Cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ảnh hưởng mạnh tới hoạt động xuất khẩu thịt lợn của Mỹ sang Trung Quốc vào năm ngoái. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, thị phần của thịt lợn Mỹ tại quốc gia châu Á này đã giảm một nửa từ 14% hồi năm 2017 xuống còn 7% trong năm 2018.
Nhưng khi dịch tả lợn châu Phi quét qua Trung Quốc trong nửa cuối năm 2018, nhu cầu thịt lợn của người dân nước này bắt đầu tăng lên và nông dân Mỹ đang kỳ vọng hơn bao giờ hết vào triển vọng kinh doanh tại đây, mặc dù mức thuế đối với thịt lợn Mỹ nhập vào Trung Quốc đã tăng từ 12% lên 62% như một biện pháp “ăn miếng trả miếng”.
Các chuyên gia ước tính dịch tả lợn châu Phi sẽ "lấy đi" khoảng 30% sản lượng thịt lợn của Trung Quốc trong năm nay, tương đương 18 triệu tấn. Con số trên gấp đôi lượng thịt lợn xuất khẩu trên toàn thế giới mỗi năm và đủ cho người tiêu dùng Mỹ tiêu thụ trong gần hai năm.
Số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy trong những năm gần đây, Liên minh châu Âu (EU) đã chiếm hơn 60% lượng thịt lợn nhập khẩu vào Trung Quốc, với Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan và Đan Mạch là các nhà cung cấp chính.

Dịch tả lợn châu Phi khiến nhu cầu tiềm năng từ Trung Quốc trở nên rất lớn, song một mình EU không thể đáp ứng được. Các nguồn tin trong ngành công nghiệp chăn nuôi châu Âu cho biết việc Trung Quốc đẩy mạnh mua vào thịt lợn hồi đầu năm nay đã làm các kho dự trữ cạn kiệt. Vì vậy, nhiều khả năng xuất khẩu thịt lợn của châu Âu dù vẫn ổn định, nhưng sẽ không còn mạnh như bây giờ do nguồn cung hạn chế.
Bên cạnh đó, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất bị dịch tả lợn châu Phi tấn công. Đã có những đợt bùng phát ở Việt Nam, Campuchia, Mông Cổ (Trung Quốc), Triều Tiên và Lào.

Dịch tả lợn châu Phi cũng đã lan rộng khắp các vùng Trung và Đông Âu, thậm chí được tìm thấy trong những con lợn rừng ở Bỉ. Triển vọng xuất khẩu của EU sẽ chịu một tổn thất lớn nếu dịch lan đến các quốc gia xuất khẩu hàng đầu châu Âu như Đức hoặc Tây Ban Nha.
Chính trong bối cảnh này, các nhà sản xuất lợn của Mỹ hoàn toàn có thể được hưởng lợi bằng cách tăng nguồn cung cho Trung Quốc hoặc bù đắp thiếu hụt cho nguồn cung từ các khu vực khác.

Theo số liệu thống kê từ Liên đoàn các nhà xuất khẩu thịt của Mỹ, xuất khẩu thịt lợn của nước này sang Trung Quốc (tính cả Hong Kong) trong tháng 5/2019 đã tăng 33% so với cùng kỳ một năm trước đó lên 45.442 tấn, dù tổng lượng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn 7% so với cùng giai đoạn hồi năm 2018.
Nhu cầu từ Trung Quốc dự kiến sẽ vẫn mạnh trong năm tới vì số lượng lợn nái được ước tính đã giảm tới một nửa, đồng nghĩa với việc nước này sẽ phải mất nhiều thời gian để tái đàn.

Báo cáo công bố ngày 9/7 của Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch cho biết việc gây lại đàn lợn nái của Trung Quốc có thể kéo dài tới vài năm do rủi ro tái nhiễm dịch vẫn tiềm ẩn. Trong khi đó, thịt lợn chiếm hơn 60% lượng thịt tiêu thụ tại thị trường đông dân nhất thế giới này.
Giữa lúc dịch tả lợn vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn, giá thịt lợn ở Trung Quốc đã tăng đáng kể kể từ tháng 3/2019 và Bộ Nông nghiệp nước này cho biết giá có thể tăng thêm tới 70% trong những tháng tới.
Một số chuyên  gia cho biết nông dân chăn nuôi lợn ở Mỹ đã phần nào được hưởng lợi gián tiếp từ việc giá thịt lợn lên cao tại Trung Quốc. Việc tăng giá là điều mà nông dân Mỹ rất cần bởi nhiều người đã mở rộng sản xuất để cung cấp cho một chuỗi các nhà máy chế biến mới tại nước này, trong khi những tranh chấp thương mại giữa Washington với Mexico và Trung Quốc đã ảnh hưởng tới lượng xuất khẩu mặt hàng này.
Một điều mà người chăn nuôi lợn ở Mỹ cần chú ý nếu họ muốn tận dụng cơ hội nhu cầu tăng mạnh tại Trung Quốc là việc họ không thể dùng thuốc tăng trọng ractopamine trong chăn nuôi lợn - loại thuốc được sử dụng rộng rãi ở Mỹ, nhưng bị cấm ở Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục