Người mang sắc áo "blouse trắng" dịu êm

17:20' - 27/02/2024
BNEWS 23 năm khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, Thầy thuốc Ưu tú - bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu luôn tận tâm, hết lòng vì người bệnh.

Bác sĩ Hạnh còn là Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện, luôn tâm huyết, năng nổ góp phần đưa Công đoàn Bệnh viện thành điển hình của ngành Y tế.

Chăm lo cho đoàn viên, người lao động

Thân thiện, dễ gần là ấn tượng đầu tiên khi được trò chuyện với Thầy thuốc Ưu tú Trần Thị Mỹ Hạnh. Bác sĩ Hạnh chia sẻ, sinh ra trong một gia đình truyền thống về ngành Y, niềm đam mê được mặc chiếc áo blouse trắng phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân đã trở thành ước mơ ngay từ khi còn nhỏ. Thừa hưởng kiến thức, kinh nghiệm từ thế hệ trước, năm 2001, sau khi tốt nghiệp Đại học ngành Y, về nhận công tác tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, bác sĩ Hạnh tâm niệm mang hết khả năng, trình độ chuyên môn phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Trải qua nhiều vị trí, năm 2020, bác sĩ Mỹ Hạnh đảm nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) - bệnh viện hạng 1 cấp tỉnh và là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh Bến Tre, với hơn 1.300 viên chức, người lao động thuộc 37 khoa, phòng. Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện đã cùng với Ban Chấp hành Công đoàn luôn làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ lợi ích cho đoàn viên, người lao động, là cầu nối để xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định giữa Bệnh viện với người lao động.

Bác sĩ Hạnh tâm sự, ngành Y tế là một ngành đặc thù với chuyên môn cao, đòi hỏi kỹ thuật sâu, trách nhiệm cao, liên quan đến tính mạng từng người dân, làm việc với áp lực lớn, trong môi trường chưa được an toàn, có nhiều rủi ro nghề nghiệp và bệnh nghề nghiệp cao. Bởi vậy, với vai trò phụ trách Công đoàn cơ sở, điều bác sĩ Hạnh quan tâm, trăn trở nhất là làm thế nào để chăm lo và cải thiện đời sống đoàn viên, người lao động, để họ có thể gắn bó và hết lòng với công việc được giao.

Bác sĩ Hạnh cùng Ban Chấp hành Công đoàn tham mưu Ban Giám đốc tổ chức nhiều hoạt động thi đua, đa dạng các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, tạo không khí đoàn kết trong lao động, như phong trào thi đua “Cải tiến không gian làm việc xanh - sạch - đẹp - sáng tạo”, Hội thi hát Karaoke và biểu diễn trang phục áo dài hưởng ứng “Tuần lễ áo dài”; cuộc thi ảnh “Nét đẹp Công đoàn và người lao động ngành Y tế”; Hội chợ ẩm thực (sau đó, các tổ Công đoàn đã trích 10% doanh thu đóng góp vào Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo); du lịch hè,... Thông qua các hoạt động, không chỉ giúp công đoàn viên gắn bó nhau hơn mà còn đảm bảo tinh thần cho viên chức, người lao động làm việc hiệu quả và tích cực, đáp ứng được tiêu chí đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu còn tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh từ thiện theo định kỳ; nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, thăm hỏi gia đình chính sách... Chính từ những hoạt động xã hội này, các nhân viên y tế bày tỏ tri ân đối với người có công với cách mạng, thêm thấu hiểu và cảm thông với những khó khăn, thiếu thốn của các hoàn cảnh; khơi dậy thêm ý thức, đam mê cống hiến từ các nhân viên y tế, xứng đáng với niềm tin của nhân dân “lương y như từ mẫu”, bác sĩ Hạnh chia sẻ.

Đặc biệt, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu còn quan tâm, rà soát từng hoàn cảnh để hỗ trợ “Mái ấm ngành Y” cho công đoàn viên khó khăn. Đón nhận “Mái ấm ngành Y” 54 m2, vợ chồng chị Ngô Thị Ngọc Hoa (sinh 1985, Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu) vô cùng xúc động. Kết hôn vào năm 2015, đã nhiều năm nay, hai vợ chồng với 3 con nhỏ vẫn sinh hoạt trong căn phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp. Ước mơ có được căn nhà để “an cư lạc nghiệp” đã thành hiện thực trong năm 2023, khi Công đoàn tiếp sức gia đình chị 50 triệu đồng để xây dựng căn nhà này.

Chị Hoa xúc động bày tỏ cảm ơn Ban Giám đốc, Công đoàn cơ sở đã quan tâm, chia sẻ những khó khăn. Đây cũng là động lực để bản thân tiếp tục gắn bó, cống hiến cho đơn vị trong thời gian tới.

Hết lòng vì người bệnh

Song song với hoạt động Công đoàn, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mỹ Hạnh luôn có ý thức cao trong công tác chuyên môn, đặc biệt là nghiên cứu khoa học, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, trên cơ sở đó xây dựng và áp dụng một số giải pháp mang tính chất cải cách, đổi mới quy trình và cách thức thực hiện nhiệm vụ, mang lại hiệu quả cao trong công tác. Điển hình là các đề tài: “Khảo sát tình hình sử dụng Albumin tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu năm 2022”, “Khảo sát các vấn đề xã hội thường gặp của người bệnh nội trú tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu”; sáng kiến “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 cho người bệnh chạy thận nhân tạo”, “Ứng dụng công nghệ thông tin trong phối hợp hỗ trợ và quản lý các vấn đề công tác xã hội cho người bệnh”... được ứng dụng ngay tại Bệnh viện.

Là bác sĩ Nội khoa có chuyên môn cao về thận nhân tạo, bác sĩ Mỹ Hạnh đang đảm nhận vai trò điều trị tại khu vực này. Bác sĩ Hạnh cho biết, được thành lập năm 2005, Phòng chạy thận nhân tạo luôn đảm bảo các quy trình và bảo quản các thiết bị, dụng cụ liên quan. Theo đó, quy trình chạy thận nhân tạo từ khâu chuẩn bị người bệnh đến kết thúc, rửa, bảo quản màng lọc và vệ sinh phải luôn tuân thủ nghiêm theo quy trình và quy định. Phòng thường xuyên liên hệ với hãng cung cấp hệ thống lọc nước để kiểm tra, bảo trì hóa sinh, vi sinh định kỳ. Mẫu nguồn nước luôn được lấy mẫu kiểm tra trước khi vào cơ thể bệnh nhân. Thuốc dùng chống đông máu khi chạy thận điều tuân thủ theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Bác sĩ Hạnh nói, chạy thận mang tính chất chu kỳ, đến ngày, đến giờ, bệnh nhân phải lọc máu, nếu chậm sẽ nguy hiểm cho người bệnh. Bệnh nhân đã suy thận mạn tính, đặc biệt ở giai đoạn cuối thường kèm theo nhiều bệnh nặng phức tạp. Các biến chứng khi chạy thận thường xuất hiện đột ngột, nặng nề, có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Điều này đòi hỏi các bác sĩ phải luôn theo sát người bệnh trong suốt thời gian chạy thận, không ngừng cập nhật kiến thức mới để hoàn thiện quy trình chuyên môn, nâng cao kỹ năng xử trí tai biến (tăng huyết áp, tụt huyết áp, đột quỵ, tuột vòng tuần hoàn ngoài cơ thể, sự cố mất điện...).

Bên cạnh nỗ lực thực hiện tốt chuyên môn, bác sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh còn chú trọng đến việc tìm hiểu, giao tiếp, trao đổi với bệnh nhân và thân nhân. Bác sĩ thường xuyên quán triệt đến các đồng nghiệp, nhân viên trong khoa phải luôn chia sẻ những khó khăn, thông cảm, kiên trì, nhẫn nại, trách nhiệm với người bệnh, coi họ như người thân trong gia đình để chăm sóc, điều trị hiệu quả.

Bệnh nhân V.D.K (41 tuổi) ngụ xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, người có thâm niên chạy thận 13 năm, cho biết, nằm điều trị ở đây lâu mới thấy, các y, bác sĩ, trong đó có bác sĩ Hạnh, rất vất vả, luôn thay nhau túc trực 24/24 giờ, ngay cả những ngày lễ, Tết. Chính sự ân cần chăm sóc của các y, bác sĩ đã giúp bệnh nhân tin tưởng, khỏe mạnh, lạc quan hơn về bệnh tình của mình.

Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu Trình Minh Hiệp cho biết, trong công việc, bác sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh luôn gương mẫu, đi đầu và đầy trách nhiệm. Là thầy thuốc trưởng thành từ cơ sở, trải qua qua nhiều vị trí, bác sĩ Mỹ Hạnh luôn thấu hiểu, tận tình chia sẻ chuyên môn nghiệp vụ với đồng nghiệp; tận lực, cố gắng, cống hiến hết mình chăm sóc và điều trị người bệnh, là “cầu nối” xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa lãnh đạo đơn vị với đội ngũ cán bộ, viên chức. Xác định vai trò của Công đoàn cơ sở trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, viên chức, lao động là nhiệm vụ hết sức quan trọng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trần Thị Mỹ Hạnh đã chủ động phối hợp với chính quyền quan tâm đến điều kiện làm việc, tạo tinh thần phấn khởi cho công đoàn viên, tạo đòn bẩy và động lực thúc đẩy cán bộ viên chức nhiệt tình trong công tác.

Quá trình cống hiến hết mình cho sự nghiệp y tế, Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mỹ Hạnh đã được các cấp, các ngành ghi nhận, biểu dương. Bác sĩ Mỹ Hạnh đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2019.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục