Người tiêu dùng Đức mất lòng tin về triển vọng kinh tế và thu nhập

21:54' - 27/01/2021
BNEWS Các biện pháp phong tỏa làm gia tăng sự mất lòng tin của người tiêu dùng Đức.
Theo khảo sát của Viện GfK, việc gia hạn các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 cùng những quan ngại về vấn đề việc làm đã khiến người tiêu dùng Đức mất lòng tin hơn về triển vọng của nền kinh tế Đức và thu nhập của họ trong tháng Hai.

Chỉ số lòng tin của người tiêu dùng Đức theo khảo sát của GfK giảm xuống -15,6 điểm trong tháng Hai, so với mức -7,5 điểm trong tháng Một. Đây là tháng thứ tư chỉ số này giảm trong nhiều tháng khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu nỗ lực ứng phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai.

Theo chuyên gia về người tiêu dùng của GfK, Rolf Buerkl, việc các nhà hàng và phần lớn các cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa vào giữa tháng 12/2020 đã ảnh hưởng mạnh đến mức độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng như trong đợt phong tỏa đầu tiên vào mùa Xuân năm ngoái.

Chính phủ Đức một lần nữa đã thực hiện các hạn chế vào tháng 11/2020, yêu cầu đóng cửa các nhà hàng, khách sạn cùng với các trung tâm văn hóa và giải trí. Vào tháng 12/2020, nước này đã đóng cửa các trường học và các cửa hàng không thiết yếu, và kéo dài các biện pháp này đến ngày 14/2.

Khảo sát của GfK - được thực hiện qua thăm dò ý kiến của khoảng 2.000 người - cho hay người tiêu dùng bi quan hơn về triển vọng kinh tế Đức cũng như về thu nhập của họ.

Tuy nhiên, thay đổi rõ nhất là về xu hướng tiêu dùng, với chỉ số này giảm xuống 0 từ mức 36,6 điểm trong tháng trước.

Những người được hỏi cho biết khả năng mua những món hàng giá trị lớn của họ giảm đi đáng kể khi những lo ngại gia tăng rằng việc kéo dài các biện pháp phong tỏa sẽ dẫn tới tình trạng mất việc làm và làn sóng phá sản của các doanh nghiệp.

Theo một khảo sát khác của GfK, 54% những người được hỏi lo ngại vừa phải hoặc rất lo ngại về tình hình tài chính cá nhân trong tương lai, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục