Người tiêu dùng ngóng khuyến mại khủng dịp nghỉ lễ 2/9

17:44' - 31/08/2018
BNEWS Các doanh nghiệp cũng như các trang thương mại điện thử hiện vẫn chưa có động thái gì trước giờ “G”. Tuy nhiên, người tiêu dùng kỳ vọng có những đợt khuyến mại khủng đến từ các thương hiệu.
Các chuỗi bán hàng truyền thống, siêu thị lớn… đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các chương trình giảm giá. Ảnh minh họa: TTXVN

Dịp Quốc khánh 2/9 năm nay được cho là khởi điểm của thời kỳ bùng nổ khuyến mãi giá trị tối đa 100% theo Nghị định 81/2018/NĐ – CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại cho phép doanh nghiệp (DN) được khuyến mãi đến 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ thay vì mức trần 50% như trước với thời gian khuyến mãi không được phép vượt quá khoảng thời gian nghỉ lễ, tết tương ứng theo quy định của pháp luật lao động.

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp kinh doanh cũng như các trang thương mại điện thử vẫn chưa có động thái gì trước giờ “G”. Tuy nhiên, người tiêu dùng kỳ vọng có những đợt khuyến mại khủng đến từ các thương hiệu. Vấn đề là các cơ quan quản lý thị trường cũng cần có sự kiểm soát chặt chẽ để hàng gian, hàng giả không trà trộn làm ảnh hưởng người tiêu dùng.

Trước quy định mới về khuyến mại, những sàn thương mại điện tử tại Việt Nam như Shopee, Tiki, Lazada… vẫn chưa đưa ra chương trình cụ thể. Theo các trang này, hàng hóa, dịch vụ bán trên các sàn online vốn dĩ luôn có khuyến mãi hoặc mức giá thấp hơn các kênh truyền thống.

Theo ông Đặng Quốc Cường - Giám đốc marketing Tiki, bản thân hàng hóa bán bằng hình thức online đã có giá thành cạnh tranh hơn các nhà bán lẻ truyền thống bởi không phải chịu nhiều chi phí mặt bằng, vận hành, nhân công… Do đó, ngay cả khi không khuyến mại kịch trần thì các sàn thương mại điện tử vẫn có ưu thế riêng. Tiki cũng chưa có kế hoạch nào về việc tung khuyến mãi quá lớn và chắc chắn sẽ không đưa ra mức 100% giá trị sản phẩm.

Trong khi đó, các chuỗi bán hàng truyền thống như Thế Giới Di Động, Siêu thị điện máy Chợ Lớn, Saigon Co.op, Big C, Lotte Mart, Aeon… đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các chương trình giảm giá, khuyến mại trong dịp này để đưa những mặt hàng giá tốt đến khách hàng và sẽ được công bố vào phút chót.

Các chuyên gia cho rằng, các đơn vị hàng hóa, dịch vụ khuyến mãi trên 50% giá trị đa phần rơi vào các món có giá trị không quá lớn, hoặc đối với những mặt hàng tồn kho chứ khó có thể có những món hàng mới có giá trị lớn được khuyến mãi từ 50% giá trị trở lên.

Quy định về giá trị khuyến mãi tối đa 100% cũng sẽ giúp các doanh nghiệp thu hút được nhiều khách hàng hơn và gia tăng doanh số, giải phóng hàng tồn. Nhưng cũng không loại trừ những chiêu trò nâng giá sau đó giảm sâu như không ít trường hợp trên các sàn thương mại điện tử, cửa hàng truyền thống… như trong thời gian qua.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một hệ thống siêu thị điện máy trên đường Huỳnh Tấn Phát (Quận 7) với slogan “Giải phóng hàng tồn với mức giảm giá đến 50%” nhưng khi vào bên trong, thực chất những mặt hàng được giảm giá sâu 50% chủ yếu là những sản phẩm “kinh doanh thêm” như bình ly thủy tinh, sữa tắm, nước rửa tay, hộp nhựa, thảm chùi chân… Rất ít sản phẩm thuộc danh mục kinh doanh chính như điện máy, công nghệ có giá trị cao có mức giảm đến 50%.

Cũng trong thời điểm này, Sở Công thương Tp.Hồ Chí Minh cũng tổ chức “Hội chợ Mua sắm - Tháng Khuyến mại 2018” từ ngày 29/8-3/9 với mục đích kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ủng hộ hàng Việt Nam.

Hội chợ tổ chức trùng với dịp lễ nên dự kiến sẽ thu hút đông đảo khách tham quan. Với quy mô 200 doanh nghiệp tham gia trên 450 gian hàng, theo quảng cáo thì các sản phẩm chủ yếu là do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên vào ngày đầu tiên diễn ra hội chợ, bên cạnh một số thương hiệu Việt có uy tín trên thị trường như Việt Tiến, Bitis, Satra, nội thất Hà Nam… thì đa số người tiêu dùng cảm thấy thất vọng khi có rất nhiều mặt hàng không phải xuất xứ Việt Nam được trưng bày công khai như đồ chơi trẻ em “made in China”; túi xách nhái thương hiệu nổi tiếng; đồ nhựa, quần áo, giày dép là "hàng tồn" đổ đống, hàng gia dụng đồng giá 10.000 đồng/món không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Tại một quầy hàng ngay lối vào cổng, giày dép được đổ thành đống với đủ các loại từ người lớn đến trẻ em được giảm giá từ 20-30%. Sau khi bới tứ tung, khách hàng vẫn không lựa được đôi nào ưng ý vì theo người bán thì “hàng tồn” được giảm giá nên không đủ hết các size và mẫu mã.

Chị Nguyễn Thu Thủy, khách tham quan hội chợ (ngụ quận Tân Bình), chia sẻ: “Được biết thông tin các doanh nghiệp sẽ khuyến mại lớn tại hội chợ lần này, chưa biết cụ thể các mặt hàng nào sẽ được áp dụng khuyến mại tôi rất háo hức, hy vọng trong dịp này sẽ mua được những sản phẩm mà mình yêu thích với giá cả hợp lý nhất. Nhưng đến đây tôi thấy hơi thất vọng vì hàng hóa được bày bán giống như "thập cẩm" ngoài chợ. Đặc biệt quần áo, giày dép là hàng tồn, lỗi mốt, chỉ đi tham quan vài vòng xem chứ chẳng mua được gì nhiều.”

Khi tham gia Hội chợ khuyến mại thì các doanh nghiệp phải đăng ký sản phẩm với Sở Công thương, nhưng vấn đề đặt ra là liệu có hàng hoá không đăng ký nhưng vẫn được bày bán ở hội chợ hay không. Bởi vì hàng hoá không rõ xuất xứ, hàng nhái hàng giả vẫn có thể lọt vào nếu không có công tác hậu kiểm.

Trước quy định mới về khuyến mại của Nghị định 81/2018, có thể rất nhiều cửa hàng tổ chức thanh lý, khuyến mại hàng hoá, Sở Công thương cần phải kiểm soát chặt chẽ giá cả, tránh hiện tượng lợi dụng khuyến mại để lừa dối người tiêu dùng.

Về phía lực lượng Quản lý thị trường phải kiểm tra, kiểm soát các chương trình khuyến mại để phát hiện sự gian lận về nhãn mác hàng hoá, đặc biệt là đưa hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào bán cho người tiêu dùng. Riêng bản thân người tiêu dùng phải có sự cân nhắc, lựa chọn kỹ càng để tránh bị hớ, bị lừa…

>>> Vietravel ưu đãi đến 16 triệu đồng khi mua tour tại ITE 2018

>>> Bão giảm giá, khuyến mại mừng U23 Việt Nam vào bán kết Asiad 2018

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục