Người trẻ trong chiến dịch vì môi trường

17:49' - 02/05/2020
BNEWS Câu chuyện môi trường sống cần được bảo vệ đã được nhắc đến từ lâu. Gần đây câu chuyện này lại "nóng" lên khi xuất hiện hình ảnh những sinh vật biển bị "bức tử" vì rác thải nhựa.

Ở nơi nào đó, thi thoảng vẫn có những phàn nàn về giới trẻ rằng họ thụ động và chỉ biết sống "ảo". Gần đây câu chuyện người trẻ bảo vệ môi trường lại nhận được những khen chê.

Nếu bạn đang hoài nghi về một trào lưu người trẻ hành động vì môi trường thì bạn hãy gặp Phạm Thị Thanh Tuyền, cô gái quê ở xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Cô gái mảnh khảnh thoạt nhìn chẳng để lại ấn tượng gì nhiều, nhưng khi nghe em nói, tôi hoàn toàn bị "hút" vào dự án nuôi trùn quế và suy nghĩ đầy tính trách nhiệm xã hội của cô gái Tây Nguyên thuộc thế hệ 9x.

Tuyền tốt nghiệp ngành Y năm 2015 nhưng vì sức khoẻ không cho phép nên em không theo nghề. Tuyền được UBND xã Quảng Lập nhận vào làm việc tại Hội phụ nữ xã. Không dừng lại ở vị trí một cán bộ đoàn thể, khát khao làm điều gì đó mới cho mình và cho xã hội luôn thường trực trong suy nghĩ của cô gái trẻ.

Không giấu nổi cảm xúc khi được hỏi về những ngày đầu khởi nghiệp, Tuyền xúc động nói: "Em làm điều này xuất phát từ chính nhu cầu của gia đình. Ba mẹ em cũng làm nghề nông, em đã chứng kiến cảnh ba mẹ vất vả thế nào với việc mua phân bón. Thường thì đại lý họ bán phân cho mình nhưng cho nợ đến vụ thu hoạch mới phải trả. Nhưng có những vụ mất mùa hoặc được mùa gặp rớt giá, khi ấy ba mẹ em rất cực vì phải xoay xở để trả tiền phân bón cho đại lý."

Từ thực tế đó, Tuyền nghĩ cần phải tìm cách để thay thế cho khoản chi phí đầu tư ban đầu này và cô gái trẻ nghĩ ngay đến phân trùn quế. Nghĩ là làm, Tuyền bắt đầu tìm hiểu, nuôi thử nghiệm trùn ở nhà, dùng rác thải nông nghiệp từ rau, củ, quả bỏ đi để làm thức ăn cho trùn.

Sau khoảng 3 tháng, cô gái trẻ đầy hoài bão đã gặt hái thành công bước đầu khi vườn nhà có phân bón và trùn quế còn được một công ty nuôi cá tầm thu mua với 40.000 đồng/kg. Đầu năm 2019, Tuyền quyết định mở rộng diện tích từ 20 m2 ban đầu lên 400 m2.

Trên cương vị Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã Quảng Lập, Tuyền luôn ấp ủ mong muốn cùng chị em làm điều gì đó vừa có ích cho bản thân vừa mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội. Nhận thấy đây là mô hình đầu tư thấp, có thể mở rộng, phù hợp với chị em phụ nữ và thế là Hợp tác xã trùn quế Đơn Dương được ra đời tháng 7/2019.

"Mình em làm không đủ sức, em chia sẻ để tạo thêm việc làm cho các chị em, vừa là để gắn kết vừa là để giúp chị em cải thiện kinh tế. Giờ mỗi ngày các chị chỉ mất khoảng vài giờ cho hợp tác xã, chủ yếu đi thu gom rau phế thải và phân động vật rồi cho trùn ăn. Thời gian còn lại các chị em vẫn làm ở nhà được. Thế nên ai cũng phấn khởi", Tuyền hồ hởi nói.

Với diện tích nuôi trùn khoảng 1.000 m2, mô hình của Hợp tác xã trùn quế Đơn Dương đã giảm được tối đa chi phí ban đầu nhờ tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương như: phế phẩm rau sau thu hoạch, rau bỏ đi tại các gia đình.

Tuy nhiên, Tuyền chia sẻ hợp tác xã mới thành lập nên chưa có vốn và đã được hỗ trợ từ ngân hàng; trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là bà đỡ chính với 200 triệu đồng.

Tuyền cho biết, vốn là câu chuyện muôn thuở, có vốn coi như dự án thành công một nửa. Nhờ vậy, hợp tác xã sẽ cung cấp khoảng 30 tấn thịt trùn quế tươi mỗi năm cho các cơ sở nuôi cá tầm Đà Lạt, từ đó xử lý được khoảng 30% phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi. Đáng nói hơn cả là phân trùn sẽ góp phần cải tạo đất và sản xuất nông nghiệp sạch.

Không những thế, dự án của Tuyền có ý nghĩa rất lớn cho môi trường sống hiện tại ở xã Quảng Lập. Tuyền chia sẻ: "Khi làm mô hình này, em đã tới tận các hộ gia đình tuyên truyền để họ phân loại rác. Như vậy sẽ giảm thiểu được lượng rác đưa ra bên ngoài môi trường. Làm như vậy cũng là giảm áp lực cho những người đi thu gom rác".

Cảm thấy vui khi góp phần nhỏ vào việc bảo vệ môi trường, Tuyền cho biết em còn hướng dẫn các bà, các chị tận dụng rau phế phẩm ngay tại nhà để trồng rau sạch. "Các chị, các cô giờ cũng thích trồng rau sạch, em đã hướng dẫn họ phân loại rác và tận dụng để làm phân bón rau. Nói chung cả em và mọi người đều thấy vui", Tuyền nói.

Câu chuyện môi trường sống cần được bảo vệ đã được nhắc đến từ lâu. Gần đây câu chuyện này lại "nóng" lên khi xuất hiện hình ảnh những sinh vật biển bị "bức tử" vì rác thải nhựa. 

Chiến dịch vì môi trường nổi lên và nhận thức về vấn đề này cũng được lan rộng hơn bao giờ hết. Phong trào "nói không với rác thải nhựa" theo đó phát triển rầm rộ và được hành động quyết liệt từ công sở cho đến ngoài chợ.

Điều dễ nhận thấy là những người ủng hộ trào lưu nói không với rác thải nhựa nhiệt tình nhất không ai khác chính là thế hệ trẻ. Họ sẵn sàng xách túi canvas đi mua đồ, mang bình uống nước cá nhân hay sử dụng ống hút làm từ cỏ. Đó đang là những trào lưu đẹp có sức lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ.

Phạm Thị Thanh Tuyền cũng là một con sóng nhỏ trong trào lưu ấy. Dường như những người trẻ đang ý thức được rằng họ mới chính là người song hành cùng Trái đất với chặng đường dài hơn cả. Và họ đã có ý thức hơn về một cộng đồng bền vững, họ muốn một môi trường sống tốt đẹp. Họ đang hành động, rõ rệt nhất là những chiến dịch vì môi trường.

Trào lưu ấy nếu được truyền lửa và biến thành ý thức chung của một thế hệ mới, tương lai của hệ sinh thái này sẽ được cải thiện một cách không ngờ. Tôi chợt nhớ ai đó đã nói: "Người trẻ không bị ảnh hưởng của định kiến nên họ mở lòng với cái mới"!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục