Người trồng thanh long điêu đứng vì dịch do virus Corona

06:30' - 02/02/2020
BNEWS Những ngày đầu năm, dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona bùng phát tại Trung Quốc khiến việc tiêu thụ thanh long trên địa bàn tỉnh Long An gặp khó khăn.
Xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc gặp khó khăn. Ảnh minh họa

Thời điểm này, nhiều kho, vựa không thu mua hoặc mua với giá rất thấp do đối tác nhập khẩu phía Trung Quốc từ chối nhận đơn hàng.

Hơn 10 năm trong nghề mua bán thanh long, chị Lê Thị Mỹ Tuyên, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An cho biết, đây là lần đầu tiên gặp phải tình trạng này. Trước đó, chị đăng ký kho với giá 35.000 – 45.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ loại 1, loại 2 thì hiện nay, mức giá này lao dốc chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg.

Cũng như một số nhà vườn chuẩn bị thu hoạch thanh long ruột đỏ vụ xông đèn, mấy ngày nay, bà Nguyễn Thị Hồng Lựu, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành thấp thỏm theo dõi giá bán. Với số lượng 250 gốc, sản lượng ước tính khoảng 2,5 tấn, thương lái đã đặt cọc 20 triệu đồng, với giá loại 1 khoảng 33.000 đồng/kg. Tuy nhiên gần đây, thương lái thông báo hồi lại không mua, chỉ hỗ trợ 5.000 đồng/kg, trong khi khoảng 2 – 3 ngày nữa, tới thời điểm cắt bán.

Bà Nguyễn Thị Hồng Lựu cho biết, mỗi đêm bà xem thời sự trên đài không thấy nói cấm, không cho hàng thanh long đi qua Trung Quốc. Chủ các kho thanh long trên địa bàn Châu Thành cho rằng, hiện giờ dịch tràn lan, họ gặp khó khăn, không phải làm khó người nông dân. Bà Lựu kiến nghị, nhà nước hỗ trợ cho người dân vì trước đây chưa gặp trường hợp này

Hiện chi phí đầu tư từ lúc xông đèn cho đến khi thu hoạch đối với mỗi kg thanh long ruột đỏ hơn 10.000 đồng. Người nông dân chỉ bán được khoảng 5.000 đồng 1 kg, thậm chí nhiều vườn còn không có người đến thu mua. Ước tính, toàn huyện Châu Thành và một số huyện lân cận trong tỉnh còn tồn khoảng 30.000 tấn thanh long ruột đỏ tới đợt thu hoạch nhưng chưa được thu mua.   

Dù vậy, khác với tình cảnh chung của một số kho, vựa thanh long trên địa bàn tạm thời đóng cửa, Công ty nông sản Rạng Đông với 2 cơ sở thu mua, sơ chế tại huyện Châu Thành và Tân Trụ vẫn hoạt động. Tuy nhiên, thời điểm này, giá mua sẽ giảm trên dưới một nửa so với giá thỏa thuận trước đây.

Theo ông Nguyễn Tất Quyền, đại diện Công ty nông sản Rạng Đông, Phú Ngãi Trị, Châu Thành, các cảng như Shanghai, Thanh Đảo, Thiên Tân họ vẫn chấp nhận cho nhập trái cây nhưng có điều là làm sạch, làm kỹ để họ kiểm dịch tốt. Một vài tỉnh của Trung Quốc cấm không cho buôn bán và xe vào đường cao tốc.

Lần này thiệt hại, thương lái là người thiệt hại nhiều nhất. UBND huyện Châu thành và chính quyền yêu cầu chủ doanh nghiệp thanh long mở cửa kho thu mua cho người dân bằng mọi giá; trong đó, tiền bạc không phải trả liền nhưng phải tiêu thụ cho người dân. Không để trái thanh long trắng đồng, ảnh hưởng đến nhiều vấn đề của xã hội.

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, về giải pháp hỗ trợ tiêu thụ thanh long, trước mắt, Sở chủ trì phối hợp Hiệp hội thanh long tỉnh và một số doanh nghiệp kịp thời tìm phương án tiêu thụ thanh long, đặc biệt là hàng tồn trong thời điểm hiện tại.  

Sở Công Thương Long An cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ thanh long của tỉnh Long An nói riêng và các tỉnh có thanh long nói chung. Đồng thời, Sở Công Thương Long An sẽ tổ chức Hội nghị về việc hỗ trợ tiêu thụ thanh long vào ngày 5/2 tới tại tỉnh, với sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Công Thương và UBND tỉnh Long An.

Về lâu dài, tỉnh Long An tăng cường tuyên truyền việc thay đổi tập quán kinh doanh, tham gia các hợp đồng tiêu thụ ổn định; qua đó, góp phần giúp các bên liên quan hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có diễn biến bất thường, tránh tình trạng phải giải cứu nông sản vì phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc./.

>> Cập nhật tin tức mới nhất về dịch do virus Corona tại đây

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục