Người truyền lửa cho nghệ thuật kim hoàn xứ Huế

11:28' - 07/05/2017
BNEWS Nghệ thuật kim hoàn xứ Huế được nghệ nhân Duy Mong dồn hết tâm huyết, tình yêu bảo tồn phát triển.
Nghệ nhân ưu tú Duy Mong-Người truyền lửa cho nghệ thuật kim hoàn xứ Huế. Ảnh: Thời báo Việt làng nghề

Niềm đam mê nghệ thuật kim hoàn xứ Huế Thừa Thiên - Huế (TTXVN 7/5) “49 năm theo học và làm cái nghề đòi hỏi sự chịu khó, kiên nhẫn này, tôi luôn đặt chữ “tâm” vào từng sản phẩm kim hoàn mà mình làm ra.

Có lẽ cũng chính vì thế, Thuận Thành - Duy Mong, tên chuỗi cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý của tôi may mắn được đông đảo khách hàng trong tỉnh Thừa Thiên Huế biết đến”, Nghệ nhân ưu tú Duy Mong khiêm tốn cho biết.

Nghệ nhân Duy Mong bắt đầu học nghề từ năm 15 tuổi với niềm đam mê nghệ thuật và được tiếp xúc với nghề kim hoàn làng Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền – cái nôi của nghề vàng xứ Huế cũng là nơi ông sinh ra.

Những ngày đầu theo học nghề khó khăn, vất vả vì chỉ được gánh nước thổi lửa cả ngày cũng không được chạm tay tới miếng vàng, miếng bạc đã thôi thúc ông cố gắng để được người thầy tin tưởng, dạy bảo truyền nghề cho.

Nhờ sự thông minh, nhanh nhẹn, kiên trì, ông đã thành công và vào nghề sớm hơn những người bạn nghề cùng trang lứa. Nói đến những sản phẩm của nghệ nhân ưu tú Duy Mong không thể không nhắc đến nguồn cảm hứng bất tận của ông từ tình yêu ông dành cho Cố đô Huế.

“Đôi hài cung đình” – giải Ba Hội thi Sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, “Tranh hộp 3D lầu Ngũ phụng – Đại nội Huế” – giải Nhất cuộc thi Sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng Huế trong khuôn khổ Festival Làng nghề truyền thống 2017 hay sản phẩm “Cài áo Đại nội Huế”…mang đậm chất Huế là những minh chứng cho tình yêu đó.

Được tận mắt nhìn “Tranh hộp 3D lầu Ngũ phụng – Đại nội Huế”, mọi người sẽ cảm nhận được tỉ mỉ và công phu của nghệ nhân với kĩ thuật 3D kết hợp khắc laser tái hiện khung cảnh lầu Ngũ phụng- nơi tổ chức các lễ hàng năm của triều đình thời Nguyễn xưa như Truyền Lô, Ban Sóc, Duyệt Binh…

Sản phẩm được làm từ chất liệu đồng mạ vàng và được nghệ nhân ưu tú Duy Mong đặt vào nhiều tâm huyết. Được biết, trong 4 ngày diễn ra Festival Làng nghề truyền thống Huế 2017 vừa qua, 17 sản phẩm này đã được tiêu thụ.

Từ những năm đầu tiên của Lễ hội Festival làng nghề Huế diễn ra, ông liên tục được mời và tích cực hưởng ứng tham gia, đem đến du khách nhiều sản phẩm kim hoàn trưng bày có chất lượng như “Cài áo Đại nội Huế”, “Châm hoa Lạc Việt”, “Gương soi ánh nguyệt”, “Quạt cung đình”…

Bởi đó là cách ông gìn giữ và giới thiệu đến du khách nghề kim hoàn làng Kế Môn, làm tròn nghĩa vụ của một người con xứ Huế. Không dừng lại ở đó, ông còn ấp ủ và xây dựng thành công Tịnh Tâm Kim Cổ - điểm đến tham quan, du lịch và mua bán các sản phẩm trang sức thủ công mỹ nghệ - nơi ông giới thiệu đến người dân và du khách về lịch sử nghề kim hoàn xứ Huế.

Trung bình hơn 1.800 du khách đến đây mỗi tháng được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân kim hoàn thực hiện các thao tác trơn (một kiểu tạo hình có tính cơ bản mà người thợ nào cũng trải qua và làm được), chạm (dùng vật nhọn để khắc vẽ lên sản phẩm), đậu (kỹ thuật kéo sợi kim loại ra từng sợi mảnh như tơ để tạo nên một tác phẩm kim hoàn) trên từng tác phẩm.

“Giờ đây, không chỉ vì niềm đam mê kim hoàn mà tôi còn thấu được trọng trách mình trong danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” Nhà nước trao tặng cho. Tôi sẽ phải cống hiến hết mình, sáng tạo hết mình để nâng cao vẻ đẹp, chất lượng trong từng sản phẩm của mình làm ra, đưa kim hoàn làng Kế Môn đi khắp đất nước” - Nghệ nhân Duy Mong bộc bạch./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục