Nguồn cung văn phòng Hà Nội đón thêm hơn 200.000 m2 sàn

09:28' - 06/03/2021
BNEWS Các chuyên gia của Công ty Savills nhận định, nguồn cung văn phòng Hà Nội sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2021 và đón thêm khoảng 208.000 m2 từ 15 dự án chủ yếu thuộc hạng B đến hết năm 2022.

Theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, cả nước có 18.100.000 doanh nghiệp mới thành lập với tổng số vốn đăng ký là 334.800.000 tỷ đồng, tăng 4% về số doanh nghiệp mới và tăng 52,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020.

Cùng đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển về Việt Nam; trong đó, có nhiều tên tuổi lớn của lĩnh vực công nghệ trên thế giới.

Từ các phân tích yếu tố kinh tế vĩ mô và khảo sát thực tế, các chuyên gia của Công ty Savills nhận định, nguồn cung văn phòng Hà Nội sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2021 và đón thêm khoảng 208.000 m2 từ 15 dự án chủ yếu thuộc hạng B đến hết năm 2022.

Mặc dù, nguồn cung tương lai được bổ sung đáng kể có thể khiến công suất thuê trung bình giảm đi trong hai năm tới nhưng về giá thuê thì phân khúc văn phòng hạng A và B tại Hà Nội vẫn được kỳ vọng sẽ tăng trong năm 2021.

Theo thống kê của Savills, lĩnh vực văn phòng được dự báo là lựa chọn đầu tư cốt lõi với tâm điểm thị trường bởi là các tài sản có rủi ro thấp, đi kèm tiêu chí cho dòng tiền ổn định và tọa lạc tại những vị trí tốt nhất.

Bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội nhận xét, năm nay thị trường sẽ có nhiều doanh nghiệp tìm kiếm và lựa chọn mô hình văn phòng mở với thiết kế không gian làm việc linh hoạt.

Mô hình văn phòng mở đã rất phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng mới chỉ xuất hiện trong khoảng 3 năm trở lại đây tại Việt Nam.

Văn phòng mở sở hữu các không gian chung và linh hoạt về công năng nên ưu việt hơn mô hình văn phòng truyền thống hay cố định.

Đây còn là nơi để giao lưu, kết nối nhân viên trước hoặc sau giờ làm việc, giúp tăng khả  năng sáng tạo, tinh thần nhân viên, hiệu suất làm việc và năng lực kinh doanh của công ty...

Hiện các công ty công nghệ thông tin từ Ấn Độ cũng đang thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến thị trường Hà Nội, không chỉ vì tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mà còn vì nguồn lao động tốt, chi phí thuê nhân công rẻ hơn các thị trường khác.

Một số quốc gia tiếp tục mở rộng giao thương quốc tế với Việt Nam; trong đó nổi bật là Hàn Quốc và Nhật Bản - bà Nguyệt dẫn chứng.

Đối với các chủ nhà, xu hướng văn phòng mở đang thách thức các tòa nhà cũ. Do đó, các chủ nhà cần chủ động tạo sự khác biệt bằng những dịch vụ bổ sung và tuân thủ nghiêm ngặt về sức khỏe, an toàn nhằm tăng khả năng cạnh tranh. Cùng đó, các điều khoản thuê cần ứng biến nhanh chóng hơn nhằm hỗ trợ không gian linh hoạt.

Khảo sát thị trường của Savills cho thấy, năm 2020, các công ty ngành công nghệ thông tin dẫn đầu trong việc mở rộng văn phòng, theo sát sau là ngành hàng tiêu dùng nhanh và sản xuất.

Dự báo, năm 2021, nhu cầu thuê văn phòng của các công ty trong ngành công nghệ thông tin vẫn ở mức cao, bao gồm các lĩnh vực FinTech, thương mại điện tử, phát triển phần mềm, trung tâm dữ liệu, trung tâm hỗ trợ khách hàng.

Khách sạn và du lịch, các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ COVID-19 sẽ cần ít không gian hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục