Nguồn vốn tín dụng chính sách tăng gấp gần 42 lần sau 20 năm

10:06' - 29/12/2022
BNEWS Sau 20 năm thực hiện cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nguồn vốn tín dụng chính sách đã có sự tăng trưởng vượt bậc, gấp gần 42 lần so với năm 2002.

Sau 20 năm thực hiện cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nguồn vốn tín dụng chính sách đã có sự tăng trưởng vượt bậc, gấp gần 42 lần so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước.

 

Đây là thông tin được ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết tại hội nghị trực tuyến sáng nay (29/12) tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Theo đó, tính đến ngày 30/11/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 298 nghìn tỷ đồng, tăng gần 291 nghìn tỷ đồng, gấp 41,9 lần so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 21,4%.

Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay với nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt gần 30 nghìn tỷ đồng thể hiện rõ phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”.

Cập nhật đến ngày 30/11/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 280 nghìn tỷ đồng, gấp 32 lần so với năm 2002, với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ.

Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 99.810 tỷ đồng, chiếm 35,7%, với gần 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo là 30.494 tỷ đồng, chiếm 10,9%, với gần 590 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 69.175 tỷ đồng, chiếm 24,7% với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Chất lượng tín dụng chính sách xã hội luôn được duy trì, củng cố, nâng cao, đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm từ 13,75%/tổng dư nợ hồi năm 2002 xuống còn 0,67%/tổng dư nợ; trong đó nợ quá hạn chiếm 0,26%/tổng dư nợ tại thời điểm 30/11/2022.

Tuy nhiên, cũng theo ông Dương Quyết Thắng, nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội dù đã được quan tâm bổ sung hàng năm nhưng còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Cùng với đó cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và đảm bảo tính bền vững. Nguồn vốn tín dụng chính sách chủ yếu sử dụng cho vay trung dài hạn (dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm 99,%) với một số chương trình có thời hạn cho vay dài, tối đa đến 25 năm. Mặc dù cơ cấu nguồn vốn đã có sự chuyển biến theo hướng tăng dần các nguồn vốn trung dài hạn và giảm dần các nguồn vốn ngắn hạn nhưng đến nay nguồn vốn có thời hạn dài trên 5 năm vẫn chiếm 41,8%.

Trong khi đó, nguồn vốn do ngân sách nhà nước cấp giảm dần qua các năm, từ 35,5% năm 2003 giảm xuống 23,1% năm 2010 và đến nay còn 14,3%. Nguồn vốn huy động từ thị trường chiếm tỷ trọng cao, tạo áp lực về khả năng thanh khoản.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết nguồn vốn huy động thiếu tính ổn định, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng Nhà nước và nguồn vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trong khi lãi suất huy động tiền gửi 2% thường cao hơn các nguồn huy động khác...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong nguồn vốn được ông Dương Quyết Thắng chỉ ra là do chưa có quy định cụ thể về tỷ lệ và nguyên tắc xác định nguồn vốn chủ đạo, phù hợp với đặc thù tín dụng chính sách xã hội. Hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh khống chế tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ trái phiếu đến hạn hàng năm theo quy định.

Mặt khác do chưa có cơ chế, chính sách cụ thể nên Ngân hàng Chính sách xã hội khó tiếp cận nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ...

Trước thực tế trên, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, chỉ đạo duy trì, triển khai tực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Song song với đó là chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung ưu tiên nguồn lực cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, bền vững, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hiệu quả hơn chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ông Thắng cũng kiến nghị báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép nâng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội huy động nguồn vốn có kỳ hạn dài, ổn định, đáp ứng nhu cầu đầu tư tín dụng, đảm bảo khả năng thanh khoản...

Trong giai đoạn tới, Ngân hàng Chính sách xã hội đặt mục tiêu phát triển thành tổ chức có khả năng tự chủ, phát triển ổn định lâu dài, bền vững, duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ, tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần.

Tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả hơn chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước đó, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, động viên được sự tham gia tích cực của toàn xã hội, góp phần đáng kể giảm số hộ nghèo, tăng số hộ khá, cải thiện từng bước đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả là việc hình thành kênh tín dụng dành riêng cho người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, cụ thể hóa quy định của Luật các Tổ chức tín dụng về phát triển các ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ngày 4/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục