Nguồn vốn tín dụng cho “đất trăm nghề”

17:55' - 04/05/2021
BNEWS Nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Thanh Oai đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phát huy lợi thế của địa phương được mệnh danh là “đất trăm nghề”, huyện Thanh Oai (Tp. Hà Nội) đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Thanh Oai (Agribank Thanh Oai) đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

Dọc tỉnh lộ 427 chạy ngang địa phận xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai), nơi có làng nghề truyền thống điêu khắc Dư Dụ, tiếng tràng, tiếng đục, tiếng máy cưa, máy cắt rộn ràng trong mùi của gỗ mới, mùi của nước sơn... Sau những ngày chìm lắng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đầu năm 2021 đến nay, làng nghề Dư Dụ tấp nập với không khí nhộn nhịp khi các đơn hàng được nối lại.

Tỉ mỉ theo dõi từng đường chạm, nét khắc của hơn chục nhân công đang thoăn thoắt tay tràng, tay đục, rồi đi tới, đi lui canh chừng mấy chiếc máy chạm khắc tự động đang hoạt động liên tục trong xưởng, nghệ nhân Nguyễn Đức Duy (làng Dư Dụ, xã Thanh Thùy) cho biết: “Sau một thời gian gián đoạn, hiện đơn hàng tượng Phật xuất cho đối tác ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) mới được nối lại nên cơ sở đang hoạt động hết công suất”.

Là một trong số ít làng nghề lưu giữ những tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc, đặc biệt là điêu khắc tượng, sản phẩm của những người thợ tạc tượng ở làng Dư Dụ đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước và nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga...

Từ bàn tay của những người thợ nơi đây, những bức tượng Phật thờ trong các đình, chùa; tượng trưng bày trong các di tích lịch sử văn hóa, đến tượng trang trí cho các không gian, nội thất gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp… đã mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho làng nghề Dư Dụ.

Nếu như trước đây, đồ nghề “cha truyền, con nối” của người thợ làng Dư Dụ là cưa, đục, tràng, móng…, thì ngày nay tài sản vô giá để lại là những bản thiết kế của hàng trăm tượng Phật khác nhau trên không gian 4D. Cùng bắt nhịp với sự đổi mới khoa học công nghệ của đất nước, người dân, người thợ làng nghề điêu khắc Dư Dụ với bàn tay khéo léo, tinh xảo đã cho ra thị trường những sản phẩm có chất lượng thẩm mỹ cao, được sản xuất với sự hỗ trợ của các loại máy móc và công nghệ hiện đại.

“Mỗi chiếc máy chạm khắc công nghệ cao như thế này phải đầu tư ít nhất từ 1-1,2 tỷ đồng. Mỗi công (khối) gỗ cũng hàng trăm triệu đồng. Không có nguồn vốn từ ngân hàng, người Dư Dụ chúng tôi có tài hoa đến đâu cũng không thể làm nổi những đơn hàng trong nước, chứ đừng nói đến xuất khẩu!”, nghệ nhân Nguyễn Đức Duy cho biết.

Từ nghề truyền thống của gia đình cùng với khoản vay đầu tiên 100 triệu đồng từ Agribank Thanh Oai vào năm 2005, đến nay ở tuổi ngoài 40 nghệ nhân Nguyễn Đức Duy đã làm chủ cơ ngơi nhà xưởng trên 500 mét vuông được đầu tư máy móc hiện đại cùng 10 thợ chính thường xuyên làm việc, chưa kể các hộ nhận gia công tại nhà.

“Có nghề trong tay, có vốn ngân hàng cho vay, chúng tôi chỉ còn lo làm ra những sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Đức Duy chia sẻ.

Bên cạnh làng nghề mộc Dư Dụ, làng Rùa Hạ - một trong 5 làng nghề cơ khí nổi tiếng của xã Thanh Thùy cũng đang trong khí thế sản xuất nhộn nhịp.

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó giám đốc Công ty TNHH cơ khí Thiên Phú (làng Rùa Hạ, xã Thanh Thùy) cho biết: “Với xu hướng chuyển dịch và tìm kiếm đối tác mới của khách hàng, sau dịch COVID-19, rất nhiều khách hàng thay vì nhập thiết bị, linh kiện từ Trung Quốc đã tìm đến với làng nghề cơ khí Rùa Hạ đặt hàng”.

Được thành lập từ năm 2007, với thế mạnh về nhân sự, kỹ thuật và dây chuyền máy móc sản xuất, gia công hiện đại trong lĩnh vực gia công cơ khí chính xác, Thiên Phú hiện đang cung cấp phụ kiện cho các đối tác lớn như Tân Á Đại Thành, Ferroli, Sơn Hà, Picenza, Komasu, Ariston, ToTo, Wacoh, Standa…. với các sản phẩm như linh kiện bếp ga, linh kiện bình nước nóng, giá đỡ năng lượng mặt trời, linh kiện máy lọc nước, tủ lạnh, tủ đông công nghiệp, thiết bị công trình…

Đi lên từ một cơ sở sản xuất gia đình, đến nay sản phẩm của Công ty TNHH cơ khí Thiên Phú được phân khối khắp 63 tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc… Ngoài việc sản xuất các sản phẩm có sẵn trên thị trường, công ty không ngừng nghiên cứu và đưa ra các giải pháp mới, sáng tạo mới nhằm đáp ứng đa dạng các yêu cầu của từng đối tác trong nước và nước ngoài.

“Chúng tôi vừa nhận một đơn hàng trị giá khoảng 130 tỷ đồng từ một đối tác đặc biệt chuyên bán hàng trên trang amazon. Đây thực sự là một cơ hội lớn với Thiên Phú nói riêng cũng như hàng chục hộ gia đình đang gia công cho công ty nói chung. Với những đơn hàng như thế này, không thể không có sự đồng hành của ngân hàng. Hơn chục năm phát triển của Thiên Phú cũng là hơn chục năm có sự đồng hành chặt chẽ của Agribank Thanh Oai. Đặc biệt, trong bối cảnh giá cả nguyên liệu, sắt thép biến động nhanh như thế này, nếu không có vốn từ Agribank với thủ tục nhanh gọn thì rất khó để chúng tôi có thể chớp được cơ hội kinh doanh”, ông Nguyễn Văn Biên chia sẻ.

Theo ông Lê Văn Cảnh, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thùy: “Cả xã làm nghề, không lúc nào không cần vốn. Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19,  doanh thu từ nghề truyền thống của xã vẫn đạt 330 tỷ đồng.

Sau dịch bệnh, sản xuất của các làng nghề hồi phục ngay, nhu cầu vốn lại sôi sục. Với phương châm tiện lợi, nhanh gọn và đặc biệt là có sự hỗ trợ tích cực của các tổ vay vốn “cắm” tới từng thôn, Agribank đã đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vốn sản xuất cho 230 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hàng nghìn hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ trong xã”.

Ông Nguyễn Như Tuyên, Phó giám đốc phụ trách Agribank Thanh Oai cho biết, xác định đứng chân trên “đất trăm nghề” với đặc thù nhu cầu vốn lớn, yêu cầu giải ngân nhanh, Agribank Thanh Oai đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, mà trọng tâm là đầu tư cho phát triển nghề truyền thống.

Dư nợ cho vay giai đoạn 2016 - 2020 của chi nhánh liên tục tăng. Năm 2020, tổng dư nợ của Agribank Thanh Oai đạt 1.260 tỷ đồng; doanh số cho vay đạt 1.626 tỷ đồng (tăng 193 tỷ đồng); tỷ lệ nợ xấu 0,29%. Tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng giúp chi nhánh kinh doanh hiệu quả.

Agribank Thanh Oai đã đưa nguồn vốn đến hàng nghìn hộ dân, doanh nghiệp, HTX đang có nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần cùng các cấp, các ngành của huyện thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp.

Qua tổ vay vốn, rất nhiều hộ gia đình đã được vay vốn lên đến 200 triệu đồng không cần phải giao dịch đảm bảo. Điều này làm tiết kiệm chi phí và thời gian vay cho người dân. Nhu cầu vay vốn có thể giải quyết trong ngày, giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn với lãi suất thấp, đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” tại thị trường nông thôn.

Đánh giá về vai trò chủ lực của Agribank trong cung ứng vốn phát triển kinh tế xã hội của địa phương, ông Nguyễn Khánh Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai khẳng định, thông qua hoạt động đầu tư, Agribank đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Diện mạo của khu vực nông nghiệp nông thôn đã thay đổi đáng kể cả về kinh tế và đời sống xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, tích cực xóa đói giảm nghèo ở nông thôn theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục