Nguy cơ dịch chuyển nguồn vốn ở châu Âu hậu Brexit

21:41' - 08/08/2018
BNEWS Giới tài chính Anh cho rằng câu hỏi mang tính chiến lược nhất là sau Brexit, các ngân hàng sẽ đặt bến đỗ tài sản và nguồn vốn tài chính của họ tại đâu.

Khi đề cập đến tác động của việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) đối với ngành tài chính nước này, người ta thường lo ngại về số việc làm bị “chảy” khỏi Vương quốc Anh sang các nước EU khác, song theo các giám đốc tài chính tại Trung tâm tài chính London, điều khiến họ lo ngại hơn cả là sự thay đổi về dòng tiền vốn.

Giới tài chính Anh cho rằng câu hỏi mang tính chiến lược nhất là sau Brexit, các ngân hàng sẽ đặt bến đỗ tài sản và nguồn vốn tài chính của họ tại đâu và dĩ nhiên đi kèm với đó là việc làm, đầu tư và doanh thu thuế.

Các chuyên gia tài chính cho rằng mối quan ngại này của Trung tâm tài chính London là điều dễ hiểu khi mà họ muốn mô hình nguồn vốn đạt hiệu quả nhất có thể.

Ngành tài chính nước Anh hiện tồn tại mối quan ngại lớn về nguy cơ Brexit sẽ làm phân rẽ các thị trường tài chính châu Âu, buộc các ngân hàng phải chia nhỏ số vốn mà trước đây họ để tập trung ở London nhằm tạo hiệu quả về quy mô nguồn tiền vốn.

Bộ trưởng Tài chính nước Anh Philip Hammond cũng đã nhiều lần lưu ý tới điểm này. Tại cuộc họp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Trung tâm tài chính London, ông Hammond nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn sự di chuyển nguồn vốn dự phòng bắt buộc cho các trường hợp khẩn cấp sang các nước châu Âu. Vấn đề này cũng từng được ông đề cập trong buổi tiệc chiêu đãi Tổng thống Mỹ Donald Trump ở cung điện Blenheim nhân chuyến thăm nước Anh hồi tháng trước

. Song song với việc đưa lời cảnh báo về những nỗ lực của EU, trong đó đi đầu là Pháp, ràng buộc ngành tài chính của “xứ sở sương mù” với những thủ tục hành chính nhiêu khê sau Brexit, ông Hammond cũng lưu ý về sức ép ngày càng gia tăng đối với việc chuyển các hoạt động tại nước Anh sang các quốc gia thành viên EU.

Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy tám tháng nữa trước khi nước Anh rời khỏi EU, các ngân hàng bắt đầu rục rịch khởi động kế hoạch chuẩn bị cho Brexit, thông qua việc thiết lập các trung tâm giao dịch tài chính thay thế của họ ở châu Âu như Paris (Pháp), Frankfurt (Đức) hay Dublin (Ireland, Ailen).

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa biết chắc chắn được lượng vốn các ngân hàng sẽ chuyển từ Vương quốc Anh sang các trung tâm tài chính thay thế khác.

Theo công ty tư vấn Oliver Wyman, hiện gần 1/3 doanh thu của các công ty và ngân hàng đầu tư tại nước Anh là từ các khách hàng EU. Nếu các công ty tài chính và ngân hàng buộc phải chia nhỏ các dòng vốn (tập trung tại Anh) sang các nước châu Âu khác, điều này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của họ tại khu vực, và có thể khiến họ cân nhắc chuyển tài sản sang các trung tâm tài chính khác như New York hay Hong Kong (Trung Quốc).

Một số ngân hàng đang nghiên cứu giải pháp thiết lập giao dịch song song tại châu Âu, nhằm giữ vốn cũng như nhân viên tại London sau Brexit, nhưng phía Brussels vẫn chưa muốn chấp nhận giải pháp này.

>>>Nước Anh và kịch bản Brexit “không thỏa thuận”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục