Nguy cơ mất cân bằng kinh tế vĩ mô của Italy

09:10' - 19/12/2024
BNEWS Theo báo cáo về việc làm tại các quốc gia thành viên do Ủy ban châu Âu (EC) công bố ngày 18/12, tình hình tại Italy giống như một tình huống bi quan kinh điển.

Đằng sau tỷ lệ việc làm kỷ lục là 66,3% trong năm 2023, những vấn đề cũ lại tái diễn: khoảng cách giới tính và giữa các vùng, tình trạng thất nghiệp của thanh niên và sức mua của hộ gia đình đang suy giảm, trong bối cảnh “thách thức nhân khẩu học cấp bách”.

 
Trong báo cáo, do hai Phó Chủ tịch EC là Stéphane Séjourné và Roxana Mînzatu, cùng Ủy viên Kinh tế EU Valdis Dombrovskis trình bày, 66,3% là tỷ lệ việc làm cao nhất từ trước đến nay của Italy, nhưng vẫn thấp hơn 9% so với mức trung bình của châu Âu, được Brussels xếp ở mức "yếu nhưng đang cải thiện".

Tỷ lệ việc làm ở khu vực miền Nam Italy và hai đảo Sardinia và Sicily thấp hơn nhiều so với mức trung bình quốc gia, với tỷ lệ việc làm lần lượt là 52,5% và 51,5%.

Tỷ lệ thất nghiệp của Italy là 7,7%, mặc dù đã giảm trong năm 2023, vẫn nằm trong danh mục "cần theo dõi" và "nghiêm trọng". Khoảng cách giới cũng "không có sự cải thiện đáng kể trong thập kỷ qua". Tại Italy, tỷ lệ phụ nữ có việc làm thấp hơn tỷ lệ nam giới có việc làm tới 19,5%, cao hơn gấp đôi mức trung bình của EU.

Trong khi Italy đứng đầu về việc làm cho người khuyết tật, nhưng tỷ lệ tham gia thị trường lao động thấp, đặc biệt là phụ nữ và người trẻ, vẫn là một thách thức lớn.

Mặc dù có cải thiện đôi chút, Italy vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ người không hoạt động (không học tập cũng không làm việc) cao nhất EU, ở mức 11,2%, "và kỹ năng cơ bản thấp ở học sinh vẫn là một thách thức". Báo cáo gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy rằng ở Italy, cứ ba người lớn thì có một người chưa thoát khỏi thất học.

EC cảnh báo Italy không được đánh giá thấp "những thách thức về học tập của người lớn". Tỷ lệ người lớn Italy tham gia các chương trình học tập và đào tạo là 29%, so với mức trung bình 39,5% của châu Âu. Và vào năm 2023, chỉ có 45,8% người lớn của nước này có các kỹ năng số cơ bản.

EC nhấn mạnh "tình hình nguy cấp" về thu nhập khả dụng gộp bình quân đầu người của các hộ gia đình Italy, khi thu nhập này năm 2023 chỉ 94% so với mức cơ sở năm 2008, so với mức trung bình của EU là 111,1%. Ngày càng có nhiều người Italy làm việc, nhưng với mức lương ngày càng thấp.

Một trong những hậu quả mà EC ghi nhận là “tỷ lệ những người bị ảnh hưởng bởi sự thiếu thốn nghiêm trọng về vật chất và xã hội đã tăng lên, phù hợp với tỷ lệ những người sống trong cảnh nghèo đói tuyệt đối”, lên tới 9,8% trong năm 2023.

Nhìn chung, theo EC, Italy có 6 chỉ số “quan trọng” hoặc “phải theo dõi”, và rơi vào câu lạc bộ không mấy uy tín của các quốc gia “có nguy cơ tiềm ẩn đối với sự hội tụ xã hội”.

Italy cũng nằm trong nhóm các quốc gia  - cùng với CH Cyprus (Síp), Đức, Hy Lạp, Hungary, Hà Lan, Romania (Ru-ma-ni), Slovakia và Thụy Điển - nằm dưới sự giám sát của EC vì mất cân bằng kinh tế vĩ mô quá mức.

Cùng với báo cáo Việc làm, Ủy viên Kinh tế EU Dombrovskis đã trình bày một báo cáo về Cơ chế Cảnh báo, công cụ sàng lọc mà EC sử dụng để xác định các mất cân bằng kinh tế vĩ mô tiềm ẩn có thể tác động đến nền kinh tế của khối.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục