Nguy cơ vỡ nợ quốc gia và lạm phát phi mã sau dịch COVID-19

05:00' - 08/04/2020
BNEWS Điều đáng lo ngại mà giới phân tích chỉ ra là rủi ro vỡ nợ và lạm phát phi mã mà nhiều quốc gia sẽ phải đối mặt sau dịch viêm đường hô cấp cấp COVID-19.
Nguy cơ vỡ nợ quốc gia và lạm phát phi mã sau dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ: THX/TTXVN

Tại Trung Quốc, hiện chưa rõ mức thâm hụt ngân sách của nước này trong năm nay sẽ lớn như thế nào. Sự bùng phát của dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và không có gì đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không phải đối phó với các đợt lây nhiễm tiếp theo, cho dù Bắc Kinh có vẻ đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh. 
Trong khi đó, các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ như Saudi Arabia và Nga chắc chắn cũng sẽ bị thâm hụt ngân sách đáng kể, chủ yếu là do giá “vàng đen” rớt kỷ lục. Bên cạnh đó, một khi giải pháp “giãn cách xã hội” được áp dụng trong một thời gian dài, thì các nền kinh tế hàng đầu trong Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Canada hay nhiều cường quốc khác đều có thể đối mặt với những sức ép tài chính lớn nếu không có nguồn dự trữ ngoại hối đủ lớn.
Tại thời điểm giữa năm 2019, tổng nợ toàn cầu là khoảng 250.000 tỷ USD, cao gần gấp 3 lần so với quy mô của nền kinh tế thế giới. Gói cứu trợ trị giá 2.000 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ vừa công bố trong tuần này sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách của nước này lên ngưỡng 3.000 tỷ USD.
Trong kịch bản nguồn thu ngân sách quốc gia của Mỹ bị sụt giảm đáng kể do tác động của dịch bệnh, mức thâm hụt ngân sách thực tế có thể lên tới 3.500-4.000 tỷ USD. Nếu tình hình dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, con số này thậm chí còn cao hơn nữa. 
Ở châu Âu, mức thâm hụt ngân sách của nhiều quốc gia EU cũng dự kiến tăng tới 15-20% trong năm nay. Tây Ban Nha mới công bố gói kích thích trị giá 220 tỷ USD, trong khi Đức, Anh, Đan Mạch và một số quốc gia khác cũng triển khai các chương trình kích thích kinh tế lớn. Như vậy, tổng các gói kích thích kinh tế toàn cầu hiện nay đã cán mốc 10.000 tỷ USD và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trên thực tế, các nỗ lực bảo vệ nền kinh tế, tập trung vào nhóm doanh nghiệp và người tiêu dùng, là rất đáng hoan nghênh trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt chi tiêu tiêu dùng chiếm khoảng 2/3 quy mô nền kinh tế của hầu hết các nước phương Tây. Vì vậy, các cường quốc càng có lý do để không cho phép xảy ra bất kỳ sự đổ vỡ kinh tế nào. 
Tuy nhiên, đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu ở một số nền kinh tế đang nổi và yếu hơn trên thế giới, đồng thời không loại trừ khả năng sớm xảy ra khủng hoảng tài chính. Ví dụ, kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên đáng kể, đảo ngược xu hướng sụt giảm trước đó. 
Tương tự, nhiều quốc gia khác ghi nhận chi phí vay mượn tăng cao thông qua hình thức phát hành trái phiếu. Brazil, Nam Phi, Mexico hay Ai Cập đều chứng kiến sự gia tăng đột biến lợi suất trái phiếu trong vài tháng qua. Tuy nhiên, áp lực tài chính và tiền tệ trong nước buộc các nền kinh tế này phải trông đợi vào thị trường cho vay quốc tế. 
Nếu gặp khó khăn trong thanh toán các nghĩa vụ nợ, sức ép sẽ gia tăng và khi đó thị trường sẽ bắt đầu đặt câu hỏi: Ai sẽ là nạn nhân đầu tiên của tình trạng vỡ nợ quốc gia và sự sụp đổ dây chuyền sẽ lan rộng tới đâu?
Một rủi ro khác mà giới phân tích lo ngại là các gói cứu trợ tài chính khổng lồ có thể châm ngòi cho tình trạng lạm phát phi mã sau giai đoạn dịch COVID-19. Còn nhớ trong thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bơm vào thị trường những gói thanh khoản khổng lồ. 
Hầu hết nguồn tiền khi đó được chuyển vào các tổ chức tài chính và những ngành công nghiệp quốc gia, đồng thời là “liều kích thích” tạm thời đối với các thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay, số tiền được bơm vào thị trường đang cố hướng tới nền kinh tế thực nhiều nhất có thể. 
Một lượng lớn tiền mặt sẽ được dành để hỗ trợ cho các hộ gia đình đáp ứng đủ điều kiện, trung bình ở mức 1.200 USD/người lớn và 500 USD/trẻ em. Bên cạnh đó, 500 tỷ USD sẽ chuyển cho các ngành công nghiệp dưới hình thức gói vay. 
Các bệnh viện cũng sẽ nhận được 100 tỷ USD. Như vậy, người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương có thể tiêu số tiền mà họ không kiếm được, đồng nghĩa giá trị hàng hóa và dịch vụ sản xuất sẽ giảm đi rất nhiều. 
Ngân hàng Goldman Sachs ước tính, sản lượng công nghiệp của Mỹ có thể giảm tới 24% trong quý II này và kinh tế Mỹ cũng chỉ có thể phục hồi trong nửa cuối năm nay nếu dịch bệnh được ngăn chặn hoàn toàn. Trong trường hợp dịch COVID-19 vẫn tồn tại, nó sẽ tiếp tục phá vỡ các hoạt động kinh tế cho đến khi con người tìm ra vắc-xin chế ngự.
Dù bằng cách nào đi nữa, những hậu quả kinh tế tai hại sẽ khiến các chính phủ phải theo đuổi giải pháp tài chính và tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ xã hội, mặc dù điều này sẽ dẫn đến sự mất cân đối lớn về ngân sách, cũng như sức mua hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế thực. Đó chính là kịch bản lạm phát phi mã khi lượng cung tiền quá dư thừa trên thị trường so với nhu cầu hàng hóa và dịch vụ.
Trong kịch bản lạc quan nhất, thế giới vẫn có khả năng xoay sở để vượt qua cuộc khủng hoảng này mà không tổn hại tài chính đáng kể. Tuy nhiên, nếu khủng hoảng tài chính xảy ra thì chắc chắn hậu quả của nó sẽ lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng hồi năm 2008. Cuộc khủng hoảng này sẽ rất khác so với quá khứ và ngay cả trong lịch sử kinh tế hiện đại./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục