Nguyên nhân châu Âu thất bại trong cuộc đua năng suất với Mỹ

05:30' - 15/04/2024
BNEWS Trong khi năng suất lao động của Eurozone gần như không đổi, thậm chí giảm nhẹ kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thì sản lượng hàng hóa phi nông nghiệp trên mỗi giờ làm của Mỹ đã tăng 6%.
Công nhân làm việc tại nhà máy của hãng Volkswagen ở Zwickau, miền đông nước Đức, ngày 23/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Khoảng cách giữa tăng trưởng năng suất của Mỹ và châu Âu đã cho thấy một tình hình ảm đạm và buồn tẻ đối với người châu Âu. Trong hai thập kỷ, kể từ năm 2004, tăng trưởng năng suất của Mỹ, được đo bằng giá trị sản lượng trên mỗi giờ làm, đã cao hơn gấp đôi so với khu vực đồng euro (Eurozone).

Trong khi năng suất lao động của Eurozone gần như không đổi, thậm chí giảm nhẹ kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thì sản lượng hàng hóa phi nông nghiệp trên mỗi giờ làm của Mỹ đã tăng 6% - cao hơn mức trung bình dựa theo hiệu suất tiêu chuẩn của chính nước này.

Theo bài viết của Giáo sư Kinh tế và Khoa học Chính trị Barry Eichengreen của Đại học California Berkeley đăng trên trang mạng Project Syndicate, dường như nước Mỹ đang đi đúng hướng, còn châu Âu bị “lạc đường”?

Một số chuyên gia phân tích chỉ ra rằng các biện pháp kích thích tài chính mạnh mẽ được Chính phủ Mỹ áp dụng ở giai đoạn đại dịch đã tạo ra đòn bẩy thúc đẩy năng suất. Lời giải thích đó phần nào “an ủi” giới chức châu Âu, rằng sự khác biệt về năng suất chỉ là nhất thời. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Mỹ không phải chịu áp lực thâm hụt ngân sách lớn như châu Âu và mức sống của người dân vẫn đang trên ngưỡng tiêu chuẩn trung bình.

Mặc dù kích thích chi tiêu mạnh mẽ có thể thúc đẩy tăng trưởng sản lượng và việc làm nhanh chóng, nhưng vẫn chưa rõ tại sao yếu tố này lại tạo ra tăng trưởng năng suất nhanh hơn. Thông thường, với tốc độ tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và một thị trường lao động thắt chặt, lẽ ra các công ty Mỹ sẽ buộc phải tuyển dụng cả những lao động có năng suất thấp hơn, để bù đắp phần thiếu hụt nhân công. Điều này có thể dẫn đến những tác động tiêu cực đối với sản lượng trên mỗi giờ làm.

Một lý giải đáng tin cậy, đó là do thị trường lao động thắt chặt ở Mỹ khiến các công ty, không thể tìm được nguồn cung lao động đầy đủ ở bất kỳ giá nào, phải tìm kiếm biện pháp thay thế nguồn lực lao động bằng việc đầu tư và công nghệ tiết kiệm nhân công. 

Ví dụ, trong lĩnh vực ngân hàng, các chi nhánh giao dịch trên khắp nước Mỹ giờ đây đã giảm bớt số nhân viên giao dịch trực tiếp, thay vào đó họ bổ sung thêm rất nhiều máy ATM (có tên đầy đủ là Automatic Teller Machine hay Automated Teller Machine, là một thiết bị ngân hàng điện tử, có khả năng giao dịch tự động với khách hàng). Tại các nhà hàng, thực khách sẽ phải đặt bàn và món ăn trên các ứng dụng trực tuyến, bằng cách quét mã QR, ngay cả ở những nhà hàng sang trọng, trước kia thường có rất nhiều nhân viên phục vụ.

Những ví dụ trên cho thấy rõ phần nào tác động mà một thị trường lao động thắt chặt đã mang lại cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, tăng trưởng năng suất của Mỹ đã tăng tốc so với châu Âu ngay trong thập kỷ trước đại dịch, khi thị trường lao động không quá thắt chặt.

Cả Mỹ và châu Âu đều chuyển sang hướng củng cố chính sách tài khóa sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Châu Âu có thể theo đuổi chính sách “thắt lưng buộc bụng” mạnh mẽ hơn một chút so với Mỹ, nhưng không có quá nhiều sự khác biệt về nhu cầu, để giải thích cho kết quả năng suất khác nhau giữa hai bên.

Hơn nữa, cũng cần lưu ý rằng các công ty Mỹ đã nhanh chóng tận dụng công nghệ kỹ thuật số ngay từ thập kỷ trước, thể hiện qua việc thành tích trong lĩnh vực sản xuất máy tính và áp dụng công nghệ máy tính của nước này đã sớm đứng đầu thế giới, trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra, chứ không phải mới phát triển gần đây.

Đối với công nghệ kỹ thuật số mới nhất, các công ty trên toàn cầu hiện mới chỉ ở giai đoạn khám phá ban đầu các cách thức sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh để thúc đẩy năng suất. Nói cách khác, AI và các phát triển liên quan không thể dùng để giải thích cho hiệu suất năng suất cao bất thường của Mỹ trong bốn năm qua.

Trên thực tế, lịch sử cho thấy việc tận dụng các công nghệ mới triệt để đòi hỏi những công ty phải tổ chức lại cách thức hoạt động, một quá trình thử nghiệm cần có thời gian. Thử nghiệm cũng có nghĩa là có thể xảy ra sai sót và như vậy năng suất có thể giảm trước khi tăng, một hiện tượng mà các nhà kinh tế gọi là hiệu ứng “năng suất đường cong J” (productivity J-curve).

Không phải các nhà quản lý châu Âu không nhận thức được tiềm năng tiết kiệm lao động và nâng cao năng suất nhờ áp dụng công nghệ kỹ thuật số. Có thể là các nghiệp đoàn “nhiều quyền lực” của châu Âu, do lo sợ sự ứng dụng máy móc ngày càng phổ biến dẫn tới tình trạng mất việc làm hàng loạt, đã phản đối việc tăng cường áp dụng chúng. Mặc dù trên thực tế, nước Đức, với truyền thống các nghiệp đoàn có vai trò và ảnh hưởng rất mạnh mẽ, có một số nhà máy sử dụng nhiều người máy (robot) nhất trên thế giới.

Ngoài ra, các quy định hạn chế của Liên minh châu Âu (EU) cũng có thể là một tác nhân gây cản trở việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số. Các quy định về quyền riêng tư của EU và hiện nay là bộ quy tắc AI được đề xuất, nếu được tuân thủ nghiêm ngặt, sẽ làm chậm quá trình phát triển của các ứng dụng AI.

Cuối cùng, có thể hiểu đơn giản là châu Âu đã gặp “vận rủi” đặc biệt là khi khu vực này phải chịu tác động nặng nề bởi xung đột địa chính trị tại Ukraine và “cú sốc” năng lượng đi kèm với cuộc xung đột đó. Nước Mỹ, vốn luôn tự chủ về năng lượng, không dễ bị tổn thương trước những gián đoạn nguồn cung năng lượng ở mức độ tương tự. Ngược lại, các công ty châu Âu đã buộc phải đình chỉ hàng loạt hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng nhất của họ, hoặc tham gia vào quá trình tái cơ cấu nhiều tốn kém, không tốt cho năng suất.

Cựu Thủ tướng Italy, đồng thời là cựu lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã được giao thực hiện một nhiệm vụ khó khăn. Đó là lên kế hoạch tăng cường năng lực cạnh tranh cho EU. Dự kiến ông Draghi sẽ trình bày trước Hội đồng châu Âu một loạt đề xuất tăng năng suất của khối này vào cuối năm nay. Theo một số nguồn tin thân cận, ông Draghi sẽ khuyến nghị thành lập liên minh thị trường vốn châu Âu, để các công ty có thể dễ dàng tài trợ cho các khoản đầu tư vào công nghệ mới hơn.

Ngoài ra, ông Draghi được cho là sẽ khuyến nghị loại bỏ những rào cản cạnh tranh, điều này sẽ làm tăng áp lực lên các công ty phải đổi mới để tồn tại. Ông cũng sẽ ủng hộ việc tăng hiệu quả năng lượng và khả năng tự cung cấp năng lượng để giúp châu Âu tránh được những gián đoạn năng lượng giống như những gì đã diễn ra trong hai năm gần đây.

Điều này rất dễ đoán vì rõ ràng các đề xuất tương tự đã tồn tại trong nhiều năm. Châu Âu nên hành động ngay bây giờ để thực hiện những ý tưởng cũ này, bên cạnh những ý tưởng mới khác cần được tập trung phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục