Những bài học rút ra từ kinh tế Nhật Bản sau kỳ “ngủ đông” dài

06:30' - 06/04/2024
BNEWS Theo trang ABC News (Australia), Nhật Bản đã trải qua ba thập kỷ với những cuộc suy thoái gần như liên tục. Thế nhưng chỉ “sau một đêm”, vận mệnh của nước này dường như đã thay đổi.

Cuối tháng Hai vừa qua, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) đã lập kỷ lục mới, trở lại đỉnh cao của năm 1989 - thời điểm trước khi bắt đầu suy thoái. Trong bối cảnh phần còn lại của thế giới phát triển đang tuyệt vọng chống chọi với "cú sốc" lạm phát tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ qua với hàng loạt đợt tăng lãi suất chóng mặt khiến mức sống sụt giảm, Nhật Bản trong nhiều thập kỷ lại phải vật lộn với điều ngược lại.      

Mặc dù từ lâu được coi là một ngoại lệ về kinh tế nhưng ở nhiều khía cạnh, Nhật Bản có thể được coi là bài học cho thế giới. Hiện giờ, kinh tế Nhật Bản đã thức dậy sau một kỳ “ngủ đông” dài, và thế giới có thể rút ra rất nhiều điều từ nền kinh tế Nhật Bản trong thời kỳ đó.

Nỗi đau tuổi già, sự thu hẹp  

Những năm 1980 được gọi là “Thập kỷ ham danh lợi”, và đó thực sự là thập kỷ của Nhật Bản. Các nhà đầu tư và các tập đoàn của Nhật Bản lùng sục khắp thế giới, thu hút các doanh nghiệp, tòa nhà văn phòng, hầm mỏ và bất động sản khi đồng yen tăng vọt nhờ hoạt động sản xuất và kinh doanh mạnh mẽ.            

Tại Nhật Bản, giá bất động sản liên tục tăng. Có thời điểm, Cung điện Hoàng gia - tọa lạc trên mảnh đất rộng 3,36 km2 ở trung tâm thành phố Tokyo - có giá trị lớn hơn toàn bộ bang California của Mỹ. 

Tất cả lên đến đỉnh điểm vào đêm Giao thừa năm 1989, chứng khoán Nhật Bản kết thúc năm ở mức kỷ lục sau khi tăng gấp 6 lần trong suốt thập kỷ. Và sau đó “bong bóng” vỡ, lúc đầu chậm rãi, nhưng sau tăng dần tốc độ.            

Giá bất động sản đi xuống khi hầu hết các quốc gia phát triển khác tăng lãi suất để chống lạm phát. Các khoản đầu tư trở nên tồi tệ và các ngân hàng Nhật Bản, vốn đã tài trợ cho những khoản nợ toàn cầu trong thập kỷ trước, bắt đầu phá sản, dẫn đầu là sự sụp đổ của Ngân hàng Tín dụng Dài hạn Nhật Bản.

Khi kinh tế Nhật Bản chuyển sang giai đoạn giảm tốc, nhiều công ty của các nước phát triển đã chuyển trọng tâm sang Trung Quốc, coi quốc gia này như một “phép màu vĩ đại” tiếp theo của châu Á. Được dẫn đầu bởi Mỹ, các nền kinh tế phương Tây và thậm chí nhiều công ty Nhật Bản đã chuyển cơ sở công nghiệp của họ sang Trung Quốc để khai thác lực lượng lao động rẻ hơn và thu lợi từ nền kinh tế đô thị hóa nhanh chóng.      

Các vấn đề của Nhật Bản càng trở nên trầm trọng hơn do vấn đề nhân khẩu học. Một số người cho rằng nhân khẩu học là nguyên nhân gốc rễ. Hầu như không có người di cư và tỷ lệ sinh thấp, xã hội Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi tình trạng già hóa nhanh chóng và cuối cùng là lực lượng lao động bị thu hẹp.            

Hiện giờ, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với vấn đề nhân khẩu học tương tự. Hầu hết các nước phát triển, đặc biệt là những nước có mức nhập cư thấp hơn, cũng đang rơi vào tình trạng dân số già đi.

Điều thú vị là mặc dù kinh tế Nhật Bản bị thu hẹp do dân số giảm song xét về mặt cá nhân, người dân lại khá giả hơn. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tăng lên do người lao động vẫn làm việc dù đã quá tuổi. Năng suất của Nhật Bản vượt xa năng suất của nhiều quốc gia giàu có khác.            

Điều này gần như hoàn toàn trái ngược với trải nghiệm của Australia. Quốc gia châu Đại Dương này đã tránh được suy thoái kinh tế kể từ sau đại dịch phần lớn nhờ dân số tăng nhanh. Tuy nhiên về mặt cá nhân, người dân Australia trở nên nghèo hơn khi GDP bình quân đầu người giảm mạnh.             

Quyết định về lãi suất 

Không thể phóng đại tầm quan trọng của quyết định lãi suất gần đây của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ). Ngân hàng này đã "chiến đấu" với tình trạng giảm phát kể từ năm 1999 – khi lần đầu tiên ngân hàng này đưa lãi suất về 0. Nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng giá cả liên tục giảm cuối cùng dường như đã thành công. Giá hiện đang tăng liên tục lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ.            

Mặc dù ý tưởng về giá rẻ hơn nghe có vẻ hấp dẫn, song giảm phát lại là một căn bệnh tàn phá nền kinh tế. Tại sao phải mua thứ gì đó ngay bây giờ khi nó sẽ rẻ hơn vào tuần tới và thậm chí còn rẻ hơn vào tháng sau? Tại sao không đợi đến năm sau?             

Chính Nhật Bản vào cuối những năm 1990 đã đi tiên phong trong khái niệm “nới lỏng định lượng”, một hình thức in tiền sau đó được phần còn lại của thế giới coi là cấp tiến. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra vào năm 2008, kinh tế Mỹ và châu Âu đã lao dốc. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, tất cả các nước kể cả Australia, đều đồng lòng. Điều này liên quan đến việc ngân hàng trung ương mua nợ chính phủ để bơm tiền vào nền kinh tế.

Nhật Bản cực đoan đến mức có thời điểm BoJ sở hữu hầu hết trái phiếu chính phủ đang phát hành. Sau đó, họ buộc phải mua cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo để tiếp tục kích thích nền kinh tế tăng trưởng.             

Chi phí nhà ở và sinh hoạt

Thật khó để không bị quyến rũ bởi đất nước và con người Nhật Bản, với lịch sử phong phú, công nghệ đáng kinh ngạc, ẩm thực tuyệt vời và nền văn hóa kéo dài hàng nghìn năm. Điều đó có thể giúp giải thích tại sao người Australia hiện đổ xô đến Nhật Bản, ngay cả khi mối quan hệ thương mại giữa hai nước đã trì trệ.

Từng là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, trong những tháng gần đây, Nhật Bản đã trở thành điểm đến số 1 của người dân Australia. Một phần là do sự thay đổi nhanh chóng trong nhận thức của người Australia. Thế hệ trước đây của Australia nhìn Nhật Bản qua một lăng kính khác. Trong khi đó, thế hệ người Australia hiện nay lại ngưỡng mộ Nhật Bản.            

Bất chấp tất cả những khó khăn kinh tế của mình, Nhật Bản đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vốn đã lan rộng khắp thế giới trong hai năm qua. Tương tự, Nhật Bản đã tránh được cuộc khủng hoảng về khả năng chi trả nhà ở vốn "gây khốn đốn" cho hầu hết thế giới phương Tây. Cả hai vấn đề đều liên quan trực tiếp đến tình trạng dân số già đi và ngày càng thu hẹp. Người già chi tiêu ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn. Ít người chịu áp lực hơn từ thị trường nhà ở.            

Đó không phải là điều tích cực duy nhất. Lực lượng lao động bị thu hẹp cũng có tác động bất ngờ và có lợi đến tiền lương và xã hội. Hiện giờ, người Nhật làm việc đến cuối đời, với hơn 1/3 số người trên 70 tuổi vẫn có việc làm. Ngoài ra, tiền lương đã bắt đầu tăng trong 12 tháng qua với mức tăng lớn nhất trong 30 năm qua.  

Bất chấp khó khăn, Nhật Bản vẫn là nền kinh tế hàng đầu thế giới và là một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới. Và giống như Australia, Nhật Bản thấy mình bị kẹt giữa nền kinh tế lớn nhất thế giới (là đồng minh lớn nhất của Nhật Bản) và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đối tác thương mại lớn nhất của “xứ hoa anh đào”. Xử lý tất cả vấn đề ngoại giao đó, đồng thời tạo dựng con đường trở lại thịnh vượng sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Tuy nhiên, có thể một lần nữa, Nhật Bản sẽ lại là nước đi tiên phong mở đường.          

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục