IMF: Tốc độ tăng trưởng toàn cầu tiếp tục sụt giảm hơn nữa

07:00' - 11/04/2024
BNEWS Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng toàn cầu tiếp tục sụt giảm hơn nữa sau khi sức tăng trường chậm lại đều đặn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009

Ngày 10/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chỉ ở mức 2,8% vào năm 2030, thấp hơn 1% so với mức trung bình lịch sử, nếu các nước không tiến hành những cải cách lớn để thúc đẩy năng suất và các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI).

 

Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO), dự kiến công bố vào ngày 16/4 tới, IMF chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng toàn cầu tiếp tục sụt giảm hơn nữa sau khi sức tăng trường chậm lại đều đặn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.

IMF nhận định rằng nếu không có những bước đi tham vọng nhằm nâng cao năng suất, thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống dưới mức trung bình lịch sử rất nhiều. Theo thể chế tài chính này, những dự báo về tăng trưởng yếu của kinh tế toàn cầu có thể cản trở đầu tư, làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái.

Cách đây 1 năm, IMF dự báo tăng trưởng trung hạn của kinh tế thế giới sẽ dao động ở mức 3%. Do vậy, dự báo mới của tổ chức này đã phản ánh những điều chỉnh giảm đối với tăng trưởng trung hạn ở tất cả các nhóm thu nhập và khu vực, đặc biệt là tại các nền kinh tế thị trường mới nổi.

Viễn cảnh tăng trưởng ở mức thấp kéo dài cùng với lãi suất ở mức cao sẽ cản trở nỗ lực của chính phủ các nước trong việc chống lại sự suy thoái kinh tế và đầu tư vào các sáng kiến phúc lợi xã hội hoặc môi trường.

Theo IMF, tất cả những yếu tố này cùng với những yếu tố bất lợi khác từ sự phân mảnh về địa kinh tế cùng chính sách công nghiệp và thương mại đơn phương sẽ khiến kinh tế toàn cầu khó khăn hơn.

IMF kêu gọi các quốc gia có hành động khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ kinh tế toàn cầu suy yếu, đồng thời cảnh báo viễn cảnh này ảnh hưởng đến triển vọng về mức sống và nỗ lực giảm đối nghèo toàn cầu.

Môi trường tăng trưởng kinh tế ở mức thấp trong thời gian dài cùng với lãi suất cao có thể gây căng thẳng xã hội và cản trở quá trình chuyển đổi xanh.

Tổ chức này cũng đưa nhiều biện pháp để giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có phân bổ vốn và lực lượng lao động tốt hơn, giải quyết tình trạng thiếu lao động ở các nền kinh tế lớn có dân số già.

Theo dự báo của IMF, tăng trưởng nguồn cung lao động toàn cầu sẽ chỉ đạt 0,3% vào năm 2030, chưa bằng 1/3 mức trung bình trong thập kỷ trước đại dịch COVID-19.

Báo cáo của IMF còn nhận định rằng việc khai thác tiềm năng của AI để thúc đẩy năng suất lao động có thể giúp tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng thêm 0,8 điểm phần trăm tùy thuộc vào việc áp dụng và tác động của AI đối với lực lượng lao động.

IMF cho biết hiện vẫn chưa hiểu đầy đủ về tác động sâu rộng của AI. Công nghệ này được cho là có thể giúp tăng năng suất, đồng thời có khả năng thay thế con người trong một số công việc nhất định và làm thay đổi bản chất của một số công việc.

Trước những quan ngại vậy, IMF cho rằng các quốc gia nên tăng cường khung pháp lý, đảm bảo bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nỗ lực đảm bảo lợi ích của AI được chia sẻ một cách công bằng và rộng rãi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục