Nguyên nhân nào khiến số lượng các đơn vị hành chính ngày càng giảm?

11:36' - 12/01/2022
BNEWS Nguyên nhân giảm số lượng cơ sở hành chính chủ yếu do thay đổi tiêu chí về cơ sở hành chính và do sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.

Kết quả sơ bộ Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, số lượng cơ sở hành chính năm 2020 giảm so với năm 2016. Đến cuối 2020, cả nước có 32.304 cơ sở hành chính, giảm 7,25 so với năm 2016. Cơ sở hành chính thuộc hệ thống hành pháp chiếm số lượng lớn nhất với 25.271 cơ sở, chiếm tỷ lệ 78,2%. Tiếp theo là số cơ sở thuộc hệ thống tổ chức chính trị - xã hội là và tiếp theo là cơ sở thuộc hệ thống tư pháp.

“Nguyên nhân giảm số lượng cơ sở hành chính chủ yếu do thay đổi tiêu chí về cơ sở hành chính và do sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.

Theo đó, tổng số lao động trong cơ sở hành chính đến cuối 2020 là 1.459.000 người, tăng 462.000 người so với năm 2016. Số lao động trong cơ sở hành chính tăng lên so với năm 2016 do mở rộng quy mô và phạm vi điều tra và đơn vị hành chính đế cấp cơ sở và tất cả số lượng lao động trả lương trong đơn vị.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, so với năm 2016, đơn vị sự nghiệp giảm cả về số lượng đơn vị và quy mô lao động trong khi đơn vị hiệp hội và tổ chức phi Chính phủ giảm về số lượng đơn vị nhưng tăng về số lượng lao động.

Tính đến thời điểm 31/12/2020, tổng số đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ là 59 nghìn đơn vị với tổng số lao động là hơn 2,4 triệu người; trong đó, đơn vị sự nghiệp là 52,5 nghìn đơn vị với số lao động là 2,39 triệu người; hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ là 6,5 nghìn đơn vị với số lao động là 37,9 nghìn người.

Hiện, cả nước có gần 6,3 nghìn đơn vị hiệp hội đang hoạt động với số lao động là 33,3 nghìn người, giảm 2,2% về số lượng đơn vị và tăng 1,8% về số lượng lao động so với năm 2016. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020 giảm 0,6% về số đơn vị và tăng 0,4% về số lao động.

Tổ chức phi Chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam là 184 tổ chức với số lao động là 4,6 nghìn người, giảm 17,1% về số đơn vị và tăng 8,5% về số lao động so với năm 2016. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020 giảm 2,6% về số tổ chức và tăng 2,1% về số lao động.

Luật mới có nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh minh họa: TTXVN

Cùng với đó, Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, giai đoạn 2016-2020 có sự phát triển khá nhanh số lượng các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thể hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước là tôn trọng và tạo điều kiện phát triển hoạt động của mọi tôn giáo, tín ngưỡng chính thống của nước ta.

Tính đến năm 2020, cả nước có trên 46,8 nghìn cơ sở thuộc các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau với 167,2 nghìn chức sắc, nhà tu hành làm việc thường xuyên tại các cơ sở, tăng 9,6% về số cơ sở và tăng 19,2% về số người so với năm 2016.

Mặc dù, tốc độ tăng số lượng của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thấp hơn tốc độ tăng của năm 2016 so với 2011 (19,5%) và năm 2011 so với 2006 (27,4%) nhưng quy mô lao động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng lại tăng từ 3,3 người/cơ sở lên 3,6 người/cơ sở.

Dự kiến, kết quả chính thức của Tổng điều tra kinh tế và Tổng điều tra cơ sở hành chính năm 2021 sẽ có vào quý 2/2022. Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng cục Thống kê đang đẩy nhanh tiến độ xử lý để   công bố kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trong thời gian sớm nhất.

“Kết hợp với dữ liệu khai thác từ các nguồn hồ sơ quản lý hành chính của ngành thuế, kho bạc, hải quan…, kết quả chính thức sẽ được công bố với hệ thống các chỉ tiêu thống kê chi tiết, đầy đủ và những phân tích chuyên sâu, chuyên đề và công bố với nhiều hình thức nhằm đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu thông tin thống kê của Đảng, Nhà nước”, ông Nguyễn Trung Tiến nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục