Nguyên nhân tỷ lệ sinh của Hong Kong (Trung Quốc) ở mức thấp nhất thế giới

06:30' - 05/05/2023
BNEWS Hong Kong (Trung Quốc) đang giữ vị trí số 1 trong cuộc khảo sát về tỷ lệ sinh thấp trên toàn cầu do Liên hợp quốc công bố vào tháng trước.
Theo báo Liên hợp buổi sáng số ra mới đây, vài năm trước, tình hình chính trị bất ổn tại Hong Kong (Trung Quốc) khiến khu hành chính đặc biệt này bắt đầu mất đi vị trí hàng đầu trên một số bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu. Điều này làm nhiều người Hong Kong lo ngại về triển vọng phát triển của Hong Kong gặp nguy hiểm. Trong khi đó, Hong Kong lại giữ vị trí số 1 trong cuộc khảo sát về tỷ lệ sinh thấp trên toàn cầu do Liên hợp quốc công bố vào tháng trước. 

Báo cáo "Tình trạng dân số thế giới" thường niên của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nhấn mạnh, hiện nay 2/3 dân số toàn cầu đang sống ở các nước có tỷ lệ sinh thấp, trong đó mỗi phụ nữ của Hong Kong chỉ sinh 0,8 con, tỷ lệ sinh thấp nhất toàn cầu, sau đó mới lần lượt đến Hàn Quốc và Singapore. Macau (Trung Quốc) và Trung Quốc Đại lục cũng nằm trong top 10 của bảng xếp hạng.   

Trên thực tế, tỷ lệ sinh của Hong Kong thấp không phải là vấn đề mới mẻ. Theo số liệu mới mất của cơ quan thống kê Chính quyền Hong Kong, tỷ lệ sinh của Hong Kong thể hiện rõ xu hướng suy giảm mạnh trong 30 năm qua, từ 1.000 phụ nữ có 1.281 ca sinh vào năm 1991 đã giảm mạnh 40% xuống còn 772 ca sinh vào năm 2021, ghi nhận mức thấp nhất trong 30 năm.   

Nhớ lại thập niên 90 của thế kỷ XX, các khu vực ở châu Á như Hong Kong, Macau, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều xuất hiện hiện tượng mức sinh thấp. Tại sao người dân ở những khu vực này muốn trì hoãn sinh con hoặc không sẵn sàng sinh nhiều con? Xét từ kinh nghiệm của các nước châu Âu và Mỹ, bình đẳng nam nữ dường như là một nhân tố rất quan trọng.

Cùng với sự phát triển và tiến bộ của xã hội, những năm gần đây nhiều phụ nữ châu Á đã theo kịp nam giới về phương diện giáo dục và việc làm, thậm chí là vượt qua. Nhiều phụ nữ không muốn sinh con, lo ngại sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Một bộ phận nữ giới coi trọng sự nghiệp mong muốn phát triển sự nghiệp do có nhiều cơ hội việc làm, không muốn ở nhà sinh con và nuôi con trong thời kỳ vàng son kiếm tiền, nên tình trạng kết hôn muộn trở nên phổ biến.   

Tuy nhiên, tỷ lệ sinh của Hong Kong nằm ở vị trí cuối cùng của toàn cầu còn có một nguyên nhân khác với các khu vực khác, đó chính là chi phí nuôi dưỡng con cái quá cao. Chẳng hạn, Hong Kong là nơi khó mua nhà nhất toàn cầu, giá nhà đã tăng nhiều lần trong hơn 10 năm qua, không ít cặp vợ chồng đã trở thành nô lệ của nhà ở, không còn năng lực sinh và nuôi dưỡng con cái.

Ở Hong Kong, chi phí sinh con hoàn toàn do cá nhân đảm nhận. Đối với hầu hết các gia đình, bên cạnh phải xử lý công việc thì hai vợ chồng còn phải đảm đương nhiều vai trò bao gồm chăm sóc gia đình. Muốn họ sinh nhiều con, cơ bản không phù hợp với thực tế cuộc sống.   

Đáng chú ý là tỷ lệ sinh thấp của Hong Kong đã làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội, chẳng hạn trong những năm gần đây, các trường tiểu học, trung học cơ sở và trường mẫu giáo đang phải đối mặt với khủng hoảng đóng cửa do không đủ học sinh.

Tháng trước, Tổng liên đoàn giáo dục Hong Kong đã tiến hành khảo sát 418 người làm công tác giáo dục bằng hình thức bảng câu hỏi, kết quả cho thấy hơn 85% cảm thấy lo lắng đối với việc "giảm lớp đóng trường". Tổ chức này kiến nghị Chính quyền Hong Kong cần tạm ngưng giảm lớp trong các trường học và tiếp tục duy trì nhân lực dạy học.       

Điều đáng lo ngại hơn là, tỷ lệ sinh thấp của Hong Kong không chỉ ảnh hưởng đến giới giáo dục, mà còn gây nên nhiều hậu quả nhân số bất lợi cho toàn xã hội, bao gồm lực lượng lao động xã hội suy giảm, không có lợi cho việc phát triển kinh tế của Hong Kong.   

Bên cạnh đó, cùng với tỷ lệ sinh giảm, tuổi thọ dân số tăng lên, tỷ lệ người cao tuổi tiếp tục gia tăng cũng đã gây nên áp lực ngày càng lớn cho xã hội Hong Kong. Vì vậy, tình trạng già hóa dân số ngày càng nghiêm trọng tất nhiên sẽ dẫn đến gánh nặng chi tiêu cho dưỡng lão và an sinh xã hội tăng mạnh, cuối cùng gây nguy hiểm cho nền tảng phát triển xã hội.

Do tỷ lệ sinh liên tục giảm, nên tầm quan trọng của người nhập cư trong tăng trưởng dân số của Hong Kong ngày càng cao. Những năm gần đây, Chính quyền Hong Kong đã liên tục có các động thái chính sách, mong muốn thu hút tài năng Trung Quốc và các nơi trên thế giới đến Hong Kong phát triển sự nghiệp, thậm chí định cư lâu dài, nhưng về dài hạn chính sách dân số của Hong Kong vẫn nên ưu tiên người bản địa sinh con.  

Thời gian gần đây, để hồi sinh sức sống của thành phố, Chính quyền Hong Kong đã phát động một loạt chương trình "Hong Kong hạnh phúc", bao gồm việc tổ chức "ngày âm nhạc Hong Kong" và hội chợ ẩm thực… để người dân thành phố có thể tiêu dùng miễn phí hoặc tiêu dùng giá rẻ.    

Tuy nhiên, Hong Kong vừa mới phục hồi sau đại dịch COVID-19, muốn kinh tế về mức trước dịch bệnh đòi hỏi phải có thời gian khá dài, chương trình "Hong Kong hạnh phúc" của Chính quyền Hong Kong và phát phiếu tiêu dùng toàn Hong Kong trước đây đã tiêu tốn rất nhiều ngân sách.

Nhà triết học Arthur Schopenhaue đã từng nói: "Hạnh phúc đóng vai trò tiêu cực, khi đau khổ hiện thân thì hạnh phúc biến mất không một dấu vết". Các chương trình tương tự "Hong Kong hạnh phúc" giống như hoạt động bắn pháo hoa, chỉ có thể mang lại hạnh phúc tạm thời.

Muốn giúp người dân Hong Kong có cảm giác hạnh phúc lâu dài vẫn cần giải quyết những vấn đề khó khăn cơ bản mà họ gặp phải trong cuộc sống, chẳng hạn như kiềm chế giá nhà để mọi người đều có thể an cư lạc nghiệp.    

Tương tự, muốn giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp của Hong Kong, bên cạnh có thể xem xét cung cấp các ưu đãi như trợ cấp sinh đẻ, về dài hạn Hong Kong cần phải tìm cách phát triển kinh tế, xây dựng Hong Kong trở thành đô thị đáng sống. Chỉ như vậy mới có nhiều người Hong Kong sẵn sàng sinh nhiều con./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục