Tăng năng lực cạnh tranh của gạo Việt trên thị trường Hong Kong (Trung Quốc)
Ngày 19/4, tại khách sạn Novotel thuộc Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong và Hiệp hội các nhà nhập khẩu gạo Hong Kong đã tổ chức Hội thảo kết nối giao thương sản phẩm gạo Việt Nam-Hong Kong.
Hội thảo nhằm mục đích duy trì mối quan hệ giữa hai bên trong lĩnh vực gạo, đồng thời tăng cường quảng bá các sản phẩm gạo chất lượng cao vào thị trường Hong Kong.
Đại biểu của 25 doanh nghiệp xuất khẩu gạo và nông sản lớn của Việt Nam cùng đại diện của 30 doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh gạo của Hong Kong đã tham dự hội thảo.
Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết trong nhiều năm liên tục, Việt Nam luôn đứng trong top 10 đối tác thương mại lớn nhất của Hong Kong.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hong Kong năm 2022 đạt gần 10,9 tỷ USD, giảm 6% so với năm 2021, trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt 2,5 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng đối với mặt hàng gạo, tính đến hết tháng 3/2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt hơn 16.000 tấn, xấp xỉ cùng kỳ năm 2022.
Việt Nam là một trong 3 nhà cung cấp gạo hàng đầu thế giới, bên cạnh Ấn Độ và Thái Lan. Gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Các chủng loại gạo Việt Nam đa dạng và đạt giá trị, chất lượng với các thương hiệu gạo ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của cả những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…, cụ thể như gạo thơm, ST, jasmine, OM, gạo trắng cao cấp, gạo Japonica.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Hong Kong, ông Trần Quốc Toản cũng kỳ vọng qua cuộc hội thảo, các doanh nghiệp của Việt Nam và Hong Kong sẽ ngày càng vun đắp hơn nữa mối quan hệ giao thương giữa hai bên, thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường Hong Kong.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp của Việt Nam đã liên tục cải tiến chất lượng gạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường Hong Kong. Các sản phẩm gạo của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Hong Kong tin tưởng và sử dụng.
Ông bày tỏ hi vọng việc tăng cường trao đổi thông tin lẫn nhau thông qua hoạt động giao thương của doanh nghiệp giữa Việt Nam và thị trường Hong Kong (Trung Quốc) sẽ mang lại những lợi ích cụ thể và thiết thực cho cả hai, và thành công của hội thảo sẽ là tín hiệu tốt cho quan hệ hợp tác thương mại tốt đẹp trong lĩnh vực gạo nói riêng và thương mại nói chung giữa Việt Nam và Hong Kong.
Thay mặt Hiệp hội Lương thực Việt Nam, phát biểu tại hội thảo, bà Tạ Thu Thủy - Trưởng ban kiểm tra của hiệp hội chia sẻ Hong Kong là một trong những thị trường ngách truyền thống của hạt gạo đặc sản Việt Nam, với số lượng tiêu thụ khiêm tốn nhưng sức mua ổn định qua các năm. Trong những năm vừa qua, kinh tế thế giới ghi nhận nhiều biến động trái chiều, tuy nhiên hoạt động thương mại gạo giữa Việt Nam và Hong Kong vẫn diễn ra khá thuận lợi.
Với mong muốn củng cố và tiếp tục nâng tầm mối quan hệ truyền thống này lên một tầm cao mới, Đoàn xúc tiến thương mại sang thị trường Hong Kong mong muốn tạo điều kiện cho các thương nhân xuất-nhập khẩu gạo của hai Hiệp hội có cơ hội cập nhật xu thế sản xuất, thương mại và tiêu thụ gạo của Việt Nam và Hong Kong trong bối cảnh mới hiện nay.
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong, ông Phạm Bình Đàm cho rằng việc các doanh nghiệp lớn trong ngành kinh doanh gạo của Việt Nam và Hong Kong có mặt tại cuộc hội thảo cho thấy hai bên đều coi trọng quan hệ kinh doanh - hợp tác này. Thổ nhưỡng, khí hậu, con người, kỹ thuật tích lũy hàng nghìn năm làm nên chất lượng gạo tuyệt vời của Việt Nam.
Tuy nhiên, về quảng bá và xây dựng thương hiệu, Việt Nam vẫn cần học hỏi thêm để thương hiệu gạo thực sự xứng tầm với chất lượng, trong khi đó các doanh nghiệp Hong Kong đều xuất sắc trong lĩnh vực này.
Ông Phạm Bình Đàm hy vọng thông qua các cuộc hội thảo như vậy, các đối tác Hong Kong có thể đưa ra những lời khuyên và đóng góp ý kiến để gạo Việt Nam được khách hàng trong và ngoài Hong Kong biết đến nhiều hơn. Việt Nam cũng cam kết không ngừng nâng cao chất lượng và an toàn của gạo. Hong Kong là một thị trường quan trọng đối với Việt Nam và Việt Nam cũng có vai trò quan trọng với Hong Kong khi là nhà cung cấp gạo lớn thứ hai cho thị trường này.
Ông Phạm Bình Đàm mong rằng các cơ quan chức năng và doanh nghiệp của Việt Nam và Hong Kong sẽ tận dụng tốt nhất cơ hội kết nối này để nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, tìm ra những phương thức sáng tạo để tăng cường hợp tác, cải thiện sự phối hợp nhằm nâng cao vị thế của gạo Việt Nam tại Hong Kong và mở rộng thị trường quốc tế thông qua Hong Kong.
Ông Kenneth Chan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu gạo Hong Kong cho biết, trong thời gian qua, Trưởng Đặc khu Hong Kong cũng như các quan chức chính quyền Hong Kong đã đi thăm nhiều nước để quảng bá Hong Kong, thu hút đầu tư không chỉ cho Hong Kong mà còn cho khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau (GBA).
Hiện gạo của Hong Kong vẫn dựa chủ yếu vào nguồn nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam. Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn trên thế giới và giữ vị trí thứ hai tại thị trường Hong Kong.
Ông Kenneth Chan cho biết Hong Kong bắt đầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam vào đầu những năm 1990, nhưng phải đến năm 2008 thị phần gạo Việt Nam mới bắt đầu tăng cao. Trong giai đoạn 2008-2013, thị phần gạo của Việt Nam tại Hong Kong tăng từ 0,5% lên 42% chỉ trong 6 năm.
Điều này cho thấy sức cạnh tranh và khả năng thích ứng của gạo Việt Nam. Hiện nay thị phần gạo của Việt Nam tại thị trường Hong Kong vào khoảng 24% và đạt khoảng 66.000 tấn trong năm 2022.
Ông hy vọng sự hợp tác giữa Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Hiệp hội các nhà nhập khẩu gạo Hong Kong ngày càng được duy trì phát triển hơn nữa.
Thông qua cuộc hội thảo này, các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh gạo của Hong Kong có thêm cơ hội để tìm hiểu về chính sách, thị trường xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai bên không ngừng phát triển.
Đại diện phía Hong Kong cũng đã giới thiệu, cập nhật cơ chế và tình hình nhập khẩu gạo vào Hong Kong. Đại diện bộ, ngành Việt Nam đã lần lượt giải đáp các vấn đề liên quan mà đại diện các doanh nghiệp kinh doanh gạo của Hong Kong quan tâm. Các thành viên của Đoàn xúc tiến cũng đặc biệt mang đến hội thảo những sản phẩm gạo Việt Nam thuộc phân khúc cao cấp nhất hiện nay.
Trong khuôn khổ chuyến công tác về xúc tiến thương mại, Đoàn doanh nghiệp và Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã đi tham quan các khu chợ, trung tâm thương mại, siêu thị hệ thống phân phối ghi nhận sự hiện diện của rất nhiều sản phẩm gạo, trong đó có sản phẩm gạo Việt Nam./.
Tin liên quan
-
Hàng hoá
Thị trường gạo đối mặt khả năng thiếu hụt nghiêm trọng nhất trong 20 năm
09:37' - 20/04/2023
Fitch Solutions dự đoán thị trường gạo toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhất trong 20 năm qua vào năm 2023.
-
Thị trường
Nhu cầu đối với gạo Việt Nam tăng mạnh
15:39' - 16/04/2023
Trong tuần qua, nhiều loại lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự tăng giá. Nhu cầu mua lúa tăng cao do xuất khẩu đang tốt nên giá lúa Đông Xuân hầu như duy trì ở mức cao.
Tin cùng chuyên mục
-
DN cần biết
Rà soát cuối kỳ chống bán phá giá bột ngọt từ Indonesia và Trung Quốc
21:00' - 02/07/2025
Ngày 2/7, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1914/QĐ-BCT về kết quả rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Indonesia và Trung Quốc.
-
DN cần biết
Anker thu hồi hơn 30.900 pin sạc dự phòng tại Việt Nam
19:41' - 02/07/2025
Thực hiện vai trò cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, đang giám sát chặt chẽ quá trình thu hồi do Anker Innovations Limited thực hiện.
-
DN cần biết
Bộ Công Thương tiếp nhận hồ sơ yêu cầu áp dụng chống bán phá giá với gạch ốp lát
19:23' - 02/07/2025
Cơ quan điều tra đề nghị doanh nghiệp cung cấp thông tin sau về doanh nghiệp; công suất thiết kế và sản lượng của sản phẩm gạch ốp lát trong từ năm 2020 đến năm 2024.
-
DN cần biết
Vương quốc Anh kết luận rà soát biện pháp tự vệ với thép nhập khẩu
18:38' - 02/07/2025
Danh sách các nước đang phát triển được miễn trừ sẽ được UK thông báo cập nhật theo Điều 9.1 của Hiệp định về Biện pháp Tự vệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
-
DN cần biết
Bước đệm chính sách cho đổi mới sáng tạo từ mô hình PPP
18:19' - 02/07/2025
Luật PPP (được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 57/2024QH15) đã mở rộng lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP đối với tất cả các lĩnh vực, bãi bỏ quy mô vốn tối thiểu đối với dự án PPP.
-
DN cần biết
Đề xuất tổng kết chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ
18:18' - 02/07/2025
Bộ Công Thương vừa có văn bản 4756/BCT-PC ngày 30/6/2025 về việc phối hợp cung cấp thông tin tổng kết Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025.
-
DN cần biết
HanoiPrintPack 2025: Trình diễn các công nghệ, in ấn và đóng gói thông minh
13:13' - 02/07/2025
HanoiPrintPack 2025 quy tụ hơn 150 gian hàng đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm giới thiệu công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực in ấn và đóng gói, hệ thống tự động hóa và vật liệu mới.
-
DN cần biết
Quy định mới về cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) thông qua Hệ thống eCoSys
09:43' - 01/07/2025
Để triển khai hiệu quả việc khai báo và chứng nhận C/O trên Hệ thống eCoSys, doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ hướng dẫn kỹ thuật và quy trình nghiệp vụ do Bộ Công Thương và cơ quan chức năng ban hành.
-
DN cần biết
Bộ Công Thương ban hành thông tư quy định về việc cấp C/O
09:36' - 30/06/2025
Đây là bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa quy định tại khoản 6 Điều 28 Nghị định số 146/2025/NĐ-CP của Chính phủ về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.