Nguyên tắc bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025

18:28' - 20/01/2022
BNEWS Có 340 dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công với kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025 là 88.099,5 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết số 29/2021/QH15, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 
Theo đó, các dự án phải hoàn thiện thủ tục đầu tư dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến phải thuộc danh mục dự án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Báo cáo số 243/BC-CP ngày 16/7/2021.

Đối với các dự án chưa thuộc danh mục Chính phủ đã báo cáo Quốc hội phải bảo đảm các dự án được thay thế là thực sự cần thiết, đã có thủ tục đầu tư và việc thay thế danh mục bảo đảm không làm thay đổi kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương theo ngành, lĩnh vực Quốc hội đã quyết nghị cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương tại Nghị quyết số 29/2021/QH15.

Thứ trưởng cũng cho biết, việc điều chỉnh tăng/giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 giữa các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương bảo đảm không làm tăng số dự án của bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội. Việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương bảo đảm tổng số dự án triển khai trong giai đoạn 2021-2025 dưới 5.000 dự án.

Về việc bổ sung, điều chỉnh, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 2), trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn, Chính phủ đã rà soát và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Theo đó, cụ thể, 340 dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công với dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách Trung ương trong nước là 88.099,5 tỷ đồng (trong đó, có 330 dự án thuộc danh mục Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 243/BC-CP; 10 dự án mới chưa được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 243/BC-CP).

Tiếp đến là, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương với tổng số vốn là 8.208,3 tỷ đồng từ số vốn nước ngoài chưa phân bổ để thực hiện 42 dự án chuyển tiếp, khởi công mới thuộc danh mục Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 243/BC-CP; 7 dự án mới chưa được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 243/BC-CP.

Cùng với đó là, điều chỉnh giảm 387,3 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và 53,07 tỷ đồng vốn đối ứng của 1 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao để điều chỉnh tăng tương ứng cho 1 dự án mới chưa báo cáo Quốc hội trong nội bộ của Bộ Giao thông vận tải.

Cuối cùng là, điều chỉnh kế hoạch giảm 725,475 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương trong nước giai đoạn 2021-2025 của 13 dự án của Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải và 3 địa phương (Hà Giang, Sơn La, Cà Mau) đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để điều chỉnh tăng 709,715 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho 11 dự án mới chưa báo cáo Quốc hội trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Về nguyên tắc, thứ tự ưu tiên phân bổ, bố trí kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 (đợt 2), Nghị quyết số 29/2021/QH15 đã quy định về nguyên tắc và thứ tự ưu tiên trong phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, vì vậy, việc phân bổ, bố trí kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 (đợt 2) cần tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, thứ tự ưu tiên đã được quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết 973/2020/UBTVQH14, Nghị quyết số 29/2021/QH15.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị lưu ý việc thay thế dự án trong danh mục phải là các dự án thực sự cần thiết, đã có đủ thủ tục đầu tư và bảo đảm không vượt tổng số dự án, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương theo ngành, lĩnh vực Quốc hội đã quyết nghị cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương tại Nghị quyết số 29/2021/QH15; việc bố trí vốn cho các dự án thay thế, các dự án điều chỉnh bổ sung phải tập trung, tránh dàn trải, không bố trí cho các dự án mới có tỷ trọng vốn phải chuyển tiếp sang giai đoạn sau quá lớn, bảo đảm đúng quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị quyết 29/2021/QH15…

Thực hiện Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện phân bổ chi tiết vốn đầu tư công trung hạn, tuân thủ đúng các nguyên tắc, tiêu chí của Nghị quyết, các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước.

Trong tổng số vốn ngân sách trung ương 1.090.014,4 tỷ đồng Quốc hội đã phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tại Nghị quyết số 29/2021/QH15, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 chi tiết cho cho 4.587 nhiệm vụ, dự án với tổng số vốn là 824.760,583 tỷ đồng, chiếm khoảng 76% số vốn Quốc hội đã phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đến nay, 52/52 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 địa phương đã thực hiện thông báo hoặc giao chi tiết đến từng dự án, từng đơn vị thực hiện…/. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục