Nhà đầu tư ngoại quan tâm hạ tầng đường sắt

08:01' - 15/04/2023
BNEWS Ông Trần Thiện Cảnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ quan tâm đến các dự án đường sắt của Việt Nam.

Trước nhu cầu nguồn vốn lớn trong khi ngân sách Nhà nước hạn hẹp, đây cũng là ưu tiên của Bộ Giao thông Vận tải hướng đến phải huy động các nhà đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hạ tầng đường sắt.

 

Đáng chú ý, Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (East Japan Railway Company - JR East) - một trong những công ty khai thác đường sắt hàng đầu tại Nhật Bản đã có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thể hiện sự quan tâm tới Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và Dự án đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

JR East đề nghị được phép nghiên cứu tính khả thi của dự án này, bắt đầu từ việc khảo sát, đánh giá các phương án kỹ thuật, tài chính.

Tháng 6/2022, Đoàn công tác của JR East có cuộc trao đổi, làm việc đầu tiên với Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và đi thực tế tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng.

"Qua khảo sát và tìm hiểu nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách giữa Hải Phòng tới Hà Nội và các khu vực lân cận, chúng tôi nhận thấy việc nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và kết nối đường sắt với cảng biển là rất cần thiết, có nhiều tiềm năng", đại diện JR East nhận định.

Sau doanh nghiệp Nhật Bản, mới đây, tại buổi làm việc của Bộ Giao thông Vận tải với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Tây Ban Nha tại Việt Nam - bà Pilar Méndez Jiménez cũng cho biết, Tây Ban Nha đang có hệ thống đường sắt tốc độ cao dài thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc), với 30 tuyến đường sắt tốc độ cao. Vì vậy, Tây Ban Nha mong muốn có những hợp tác với Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam trong việc phát triển hệ thống đường sắt nói chung và đường sắt tốc độ cao nói riêng.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải trước đó, đại diện Ngân hàng Thế giới cũng bày tỏ sự quan tâm và mong muốn hợp tác với Việt Nam trong đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Ngoài các đối tác nước ngoài, hiện các doanh nghiệp trong nước cũng quan tâm đến các dự án đường sắt. Bộ Giao thông Vận tải đang tiến hành thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức PPP (hợp tác công tư) của Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng (Công ty Bạch Đằng). Cụ thể, Công ty Bạch Đằng đề xuất khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt với chiều dài khoảng 83,5 km. Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án này lên tới 24.924 tỷ đồng. Hiện Công ty Bạch Đằng đã nhận được các cam kết tài trợ vốn của một số ngân hàng thương mại trong và ngoài nước.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, thị phần vận tải đường sắt bị giảm sút theo từng năm, nhiều năm liền chưa có tuyến đường sắt mới nào được hình thành. Vì vậy, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định, phải quan tâm đúng mức phát triển giao thông đường sắt, triển khai xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường sắt đô thị tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Tổng nhu cầu vốn cho ngành đường sắt đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 240.000 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu cho nâng cấp tuyến đường sắt hiện có là 46.346 tỷ đồng; dự án đường sắt tốc độ cao là 112.325 tỷ đồng; còn lại hơn 80.000 tỷ đồng xây dựng mới đường sắt thường.

Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực khi nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các dự án đường sắt, song nhiều chuyên gia kinh tế cũng tỏ ra e ngại bởi việc thu hút vốn đầu tư tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài vào hạ tầng đường sắt đang gặp nhiều khó khăn.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, nếu có cơ chế rõ ràng, minh bạch, hoàn toàn có thể thu hút nguồn vốn tư nhân vào hạ tầng đường sắt. Chỉ khi thu hút được vốn xã hội một cách hiệu quả mới có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển hạ tầng đường sắt.

Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Lưu Quang Lãm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Khai thác Cảng cho rằng, chủ trương xã hội hóa đầu tư vào đường sắt là hoàn toàn đúng đắn. Tuy vậy, muốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực đường sắt, cũng giống như đường bộ, cần có chính sách minh bạch, rõ ràng, chứ không thể như đường bộ hiện đang bị mắc kẹt, chậm được tháo gỡ.

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, sau gần 10 năm triển khai Đề án huy động vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam mới thực hiện thành công duy nhất dự án Trung tâm logistics đường sắt - ga Viên Yên theo hình thức cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt. Các dự án khác mới chỉ dừng lại ở việc có nhà đầu tư quan tâm.

Rào cản lớn nhất trong việc xã hội hóa đầu tư đường sắt là các dự án hạ tầng trong lĩnh vực này có vốn đầu tư rất lớn, lợi nhuận thấp, dẫn đến thời gian hoàn vốn kéo dài; quá trình đầu tư phải đồng bộ thì mới có thể khai thác được. Bên cạnh đó, các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư trong lĩnh vực này vẫn chưa được các cơ quan chuyên ngành hướng dẫn để triển khai thực hiện.

Hiện cả cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, doanh nghiệp đường sắt và các nhà đầu tư hy vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

"Đây là nền tảng chính trị quan trọng để vực dậy ngành đường sắt - vốn là loại hình vận tải có ưu điểm vượt trội về năng lực và tốc độ vận chuyển trên cự ly trung bình và dài, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối giữa các vùng, miền, nhưng đã liên tục bị sa sút trong thời gian qua", lãnh đạo Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam đánh giá.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, để triển khai Quy hoạch Mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất tăng vốn đầu tư công trung hạn, ưu tiên đầu tư nhiều dự án đường sắt lớn để kết nối, giảm chi phí logistics giai đoạn 2021 - 2025.

Danh mục dự án đường sắt được ưu tiên là những dự án có tính kết nối, gồm đường sắt quốc gia khu vực Hải Phòng với cảng Lạch Huyện; kết nối khổ đường sắt giữa Việt Nam - Trung Quốc khu vực biên giới Lào Cai - Hà Khẩu; xây dựng tuyến đường sắt từ Trảng Bom (Đồng Nai) đến cảng Cái Mép - Thị Vải./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục