Bên lề Quốc hội: Luật PPP kỳ vọng thu hút tối đa nguồn lực tư nhân

08:40' - 13/11/2019
BNEWS Xung quanh những nội dung của dự án Luật PPP, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật PPP) đã được trình Quốc hội và sẽ lấy ý kiến góp ý của đại biểu. Ban soạn thảo Luật kỳ vọng, sau khi được Quốc hội thông qua vào Kỳ họp lần thứ 9, Luật này sẽ thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực của khu vực tư nhân cũng như các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước.
Xung quanh những nội dung của dự án Luật PPP, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Phóng viên: Xin ông cho biết sự cần thiết để ban hành Luật PPP? Việc ban hành một đạo luật riêng có nhằm điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các luật khác hay không, thưa ông?
Cục trưởng Nguyễn Đăng Trương: Thực tiễn triển khai chương trình PPP trong những năm qua đã cho thấy rõ yêu cầu cần xây dựng đạo luật riêng về PPP bởi: Thứ nhất, quy định chi tiết cho hoạt động PPP hiện nay mới chỉ dừng ở cấp Nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật (ngân sách nhà nước, đầu tư, đầu tư công, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, đấu thầu...).
Thứ hai, để tiếp tục thúc đẩy đầu tư PPP thì cần có khung pháp lý ổn định cho hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn. Nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính ổn định của các pháp luật điều chỉnh hợp đồng.
Thứ ba, hiện nay khung pháp lý còn thiếu các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công.
Do đó, việc ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng cũng như khắc phục tối đa các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua là hết sức cần thiết với mục tiêu hình thành khung pháp lý ổn định, bền vững.
Phóng viên: Vậy Luật PPP được xây dựng dựa trên những mục đích, quan điểm nào, thưa ông?
Cục trưởng Nguyễn Đăng Trương: Thứ nhất, xây dựng luật với giá trị pháp lý cao, ổn định để điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP trên cơ sở kế thừa các quy định về PPP đã triển khai hiệu quả; đồng thời, xử lý các khác biệt, thiếu đồng bộ giữa quy định hiện hành về PPP với các luật khác, khắc phục các tồn tại, bất cập trên tinh thần tránh xáo trộn, ảnh hưởng các dự án đã và đang triển khai.
Thứ hai, bảo đảm quy định của luật phù hợp với các cam kết quốc tế về đầu tư, thương mại; tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường, lấy lợi ích cho người dân, nhà nước và nhà đầu tư là trọng tâm khi xây dựng chính sách.
Thứ ba, tạo lập cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, rõ ràng và đơn giản.
Thứ tư, thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực của khu vực tư nhân cũng như các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống, dịch vụ cho người dân.
Phóng viên: Xin ông cho biết mối quan hệ của Luật PPP và một số luật cơ bản có liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật?
Cục trưởng Nguyễn Đăng Trương: Trong quá trình xây dựng dự án Luật PPP, Chính phủ luôn yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa luật này và các luật có liên quan như: dân sự, đầu tư, đầu tư công, đất đai, xây dựng, đấu thầu, ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, tài sản công...
Để đạt được yêu cầu này, dự thảo luật hiện nay được thống kê, rà soát kỹ và xây dựng theo hướng: đối với các nội dung liên quan đến pháp luật khác, dự thảo có các điều khoản viện dẫn cụ thể đến các luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật. Bên cạnh đó, dự thảo luật đề xuất điều chỉnh một số nội dung liên quan tại các luật khác, cụ thể là điều chuyển nội dung lựa chọn nhà đầu tư (hiện đang quy định tại Luật Đấu thầu) sang quy định thống nhất tại dự thảo Luật PPP hay điều chỉnh nội dung về báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Luật Bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, do tính đặc thù phức tạp và dài hạn của mô hình đầu tư theo phương thức PPP, việc tạo một môi trường pháp lý ổn định, không chồng chéo và có tính chất “là luật được ưu tiên áp dụng khi có nội dung khác nhau” là một biện pháp cần thiết, khẳng định sự quan tâm, cam kết của phía Nhà nước khi thực hiện dự án PPP, qua đó tạo sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Luật còn quy định về một số nội dung đặc thù cho dự án PPP nhằm bảo đảm tính minh bạch đối với những nội dung riêng có dành cho việc thực hiện dự án PPP; tính ổn định, xuyên suốt của một dự án PPP; hơn nữa, quy định này cho thấy cam kết rõ ràng từ phía Nhà nước đối với khu vực tư nhân để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư tổ chức tài chính khi đầu tư các dự án PPP quy mô lớn, dài hạn và tiềm ẩn rủi ro trong tương lai.
Luật PPP quy định về một số nội dung đặc thù cho dự án PPP. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Phóng viên:  Dự thảo Luật quy định 2 hình thức quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP. Ông có thể cho biết cụ thể về nội dung này?
Cục trưởng Nguyễn Đăng Trương: Cơ chế sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP phụ thuộc vào loại hợp đồng ký kết, do vậy dự thảo luật đã làm rõ các trường hợp, phương thức quản lý, sử dụng vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP theo mục đích sử dụng gồm: hỗ trợ dự án trong giai đoạn xây dựng đối với các loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), BOO (xây dựng - sở hữu -kinh doanh), để bảo đảm dự án khả thi về mặt tài chính; thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án dựa trên chất lượng dịch vụ trong các hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ), BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao). 
Đối với trường hợp sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ dự án PPP trong giai đoạn xây dựng, việc quản lý hỗn hợp vốn đầu tư công và vốn tư nhân sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải ngân phần vốn nhà nước, giám sát, nghiệm thu hay thực hiện thanh tra, hậu kiểm vì khó tách bạch được “vốn công” và “vốn tư”.
Do đó, Dự thảo Luật quy định 2 hình thức quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP: tách thành một dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP; giải ngân cho doanh nghiệp dự án theo hạng mục cụ thể (có thể tách thành các gói thầu sử dụng vốn đầu tư công) với tỷ lệ, giá trị, tiến độ giải ngân được quy định tại hợp đồng.
Sau khi Luật PPP được xem xét, thông qua sẽ giúp định hình rõ các nguồn vốn và cách thức quản lý phần vốn của Nhà nước tham gia trong dự án PPP, góp phần giúp cho việc thực hiện dự án PPP được minh bạch và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn nội dung cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư được quy định trong dự thảo Luật PPP?
Cục trưởng Nguyễn Đăng Trương: Về bản chất, dự án PPP là dự án được triển khai nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công (mục đích công) thông qua đầu tư tư (vốn tư) và/hoặc quản lý tư. Nhà nước muốn kêu gọi nguồn lực tài chính, tận dụng được trí thức, năng lực quản lý từ các thành phần kinh tế để bù đắp thiếu hụt về ngân sách thì Nhà nước cũng cần có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh, mà không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm, rủi ro của việc thực hiện dự án mục đích công này cho tư nhân như đối với dự án do tư nhân đầu tư kinh doanh thông thường.
Nhằm chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét 2 cơ chế; đó là: cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ và cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Theo đó, các cơ chế này chỉ áp dụng đối với một số dự án PPP đặc biệt, quan trọng (do Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư), trên cơ sở xem xét cẩn trọng thông qua Hội đồng thẩm định liên ngành cấp trung ương chứ không áp dụng tràn lan cho mọi dự án PPP.
Các cơ chế bảo đảm, chia sẻ rủi ro hay các nội dung mới khác đang được đề xuất trong dự thảo luật được Chính phủ nghiên cứu, tham vấn kỹ lưỡng các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, cá nhân có liên quan…và một lần nữa có thêm cơ hội để được lắng nghe, tiếp thu ý kiến của Quốc hội và cử tri cả nước. Từ đó, có thêm cơ sở tiếp tục hoàn thiện một dự thảo Luật PPP đảm bảo chất lượng khi được ban hành để có thể đi vào cuộc sống.
Phóng viên: Xin cám ơn ông !

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục