Nhà đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu tại PVFCCo

10:34' - 15/06/2022
BNEWS Theo Trung tâm lưu lý chứng khoán Việt Nam, tính đến ngày 15/6, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại Tổng công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo,DPM) là 16,6% trên tỷ lệ 49% được phép sở hữu.

Đáng chú ý, Dragon Capital từ ngày 8/6 vừa qua đã trở thành cổ đông lớn tại PVFCCo sau khi tăng lượng sở hữu từ 18,5 triệu cổ phần lên 19,9 triệu cổ phần và tỷ lệ sở hữu hiện nay là 5,1%.

 


Hai quỹ thành viên thực hiện mua vào là Amersham Industries Limited và Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) gom vào tổng cộng 1,4 triệu đơn vị DPM.
Cụ thể, VEIL – top 3 quỹ thành viên sở hữu nhiều cổ phiếu DPM nhất, mua 700.000 đơn vị, tăng lượng nắm giữ lên 2,2 triệu cổ phần, tương đương 0,6% vốn điều lệ. Amersham Industries Limited cũng mua vào 700.000 cổ phiếu DPM để tăng lượng nắm giữ lên 0,4% vốn với 1,7 triệu cổ phần.
Trên thị trường chứng khoán, theo dữ liệu của FiinTrade, cổ phiếu DPM của PVFCCo nằm trong số các cổ phiếu phân bón được khối ngoại đã mua ròng 3 tháng liên tiếp với dự báo triển vọng lợi nhuận tốt trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine đã đẩy giá phân bón tăng kỷ lục.
Sáng 15/6, giá cổ phiếu DPM đang giao dịch quanh mức 59.600 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá DPM tăng 23.42%, trong đó giá đóng cửa cao nhất là 75.100 đồng/cổ phiếu (ngày 19/4) và giá đóng cửa thấp nhất là 38.239 đồng/cổ phiếu (ngày 17/1)
Năm 2022, hội đồng quản trị PVFCCo trình kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất cả năm 2022 là 17.239 tỷ đồng, lãi sau thuế 3.473 tỷ đồng; tăng lần lượt 31% và 9% so với thực hiện 2021. Theo đó, hội đồng quản trị đề xuất mức chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 50% mệnh giá, tương đương mức chia 2021.
Để hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2022, PVFCCo tiếp tục triển khai các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn, ổn định, hiệu quả và tiết kiệm.

PVFCCo cũng tiếp tục vận hành nhà máy đạm Phú Mỹ, xưởng sản xuất NPK và xưởng sản xuất UFC 85/Formaldehyde đảm bảo an toàn, ổn định, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, PVFCCo xây dựng giải pháp khắc phục các khó khăn trong vận hành sản xuất, kinh doanh sản phẩm NPK để hoàn thành vượt mức kế hoạch, nỗ lực phấn đấu đạt sản lượng sản xuất, kinh doanh NPK đến 200 nghìn tấn trong năm 2022 nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư dự án, hướng tới sản xuất kinh doanh NPK 250 nghìn tấn/năm, hiệu quả kinh tế như kỳ vọng của dự án vào những năm tiếp theo.
Trước tình hình giá khí thế giới tăng cao, PVFCCo sẽ tìm kiếm nguồn khí ổn định với sản lượng ổn định và giá bán dài hạn cho sản xuất đạm, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng đó, giải pháp tăng cường công tác quản lý chi phí, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao hiệu quả hoạt động  tiếp tục được PVFCCo tập trung triển khai.
Đối với thị trường, PVFCCo tăng cường công tác bán hàng; duy trì lượng hàng tồn kho hợp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động; phát triển thị trường kinh doanh sản phẩm NPK Phú Mỹ, tăng cường công tác tiếp thị và truyền thông để định hình thương hiệu NPK Phú Mỹ cả về mẫu mã và chất lượng; xây dựng hệ thống phân phối phân bón bền vững trong nước và tìm kiếm mở rộng thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, PVFCCo tiếp tục nghiên cứu cơ hội đầu tư các dự án: Sản xuất Melamin, Adblue nhằm nâng cao giá trị gia tăng và vận hành đủ tải xưởng UFC/formaldehyde; sản xuất sô đa từ CO2 và NH3 dư; sản xuất DAP; sản xuất PVC; xây dựng kho cảng hoá chất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục