Nhà máy điện hạt nhân - "vũ khí" mới của Nga

06:30' - 14/11/2019
BNEWS Cách đây 5 năm, Moskva và Budapest đã ký thỏa thuận về việc xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân mới công suất 1.200 MW.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN 

Nga đang bao phủ thế giới với một mạng lưới các nhà máy điện hạt nhân và như vậy, Điện Kremlin đang xây dựng một khuôn khổ cho sức mạnh toàn cầu cho mình trong những thập kỷ tới, phóng viên Pavel Lokshin từ Moskva viết trên tờ Die Welt của Đức.

Theo ông Lokshin, một trong những chủ đề chính tại cuộc họp gần đây giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Hungary Viktor Orban ở Budapest là hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, và vấn đề không chỉ liên quan tới việc cung cấp khí đốt tự nhiên, mà cả năng lượng hạt nhân.

Tại Đức, năng lượng hạt nhân không được chấp thuận, song lại rất phổ biến tại Đông Âu và trên thế giới. Nhà máy điện hạt nhân Paks ở ngoại ô Budapest sản xuất một nửa lượng điện của Hungary. Bốn lò phản ứng của nhà máy được Liên Xô xây dựng vào những năm 1970. 

Sau khi quá trình phê duyệt và có được tất cả các giấy phép, công việc xây dựng cần bắt đầu trước cuối năm nay. Nhà báo của Die Welt cho rằng “kỷ băng hà ngoại giao giữa Moskva và Brussels sau khi sáp nhập Crimea và chiến tranh ở miền Đông Ukraine không làm thay đổi bất cứ điều gì trong hợp tác hạt nhân với Hungary”.

Theo Pavel Lokshin, nhiệm vụ của Điện Kremlin là gắn các quốc gia khác với Nga thông qua xuất khẩu công nghệ hạt nhân có lợi nhuận để giúp quan hệ song phương có thể chịu được sức ép lớn từ bên ngoài.

Không một loại công nghệ nào thích hợp với điều này hơn điện hạt nhân. Mỗi nhà máy điện hạt nhân mới có thể hoạt động không ít hơn 60 năm và nếu khai thác đúng cách, thậm chí là hơn 100 năm.

Bài báo cho hay nhà máy điện hạt nhân Hanhikivi mà Rosatom đang xây dựng ở miền Bắc Phần Lan sẽ chỉ bắt đầu phát điện vào cuối thập niên 2020, cũng như nhà máy Paks-II.

Ngay cả khi nhu cầu khí đốt Nga giảm ở châu Âu, các lò phản ứng hạt nhân của Nga vẫn sẽ hoạt động ở Hungary và Phần Lan, điều sẽ ảnh hưởng đến chính sách của các quốc gia này trong quan hệ với Moskva.

Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga, các khách hàng của Rosatom có thể phải đối mặt với chi phí rất lớn và rủi ro cao hoặc họ có thể rơi vào tình huống tương tự như Ukraine.

Kiev cho đến nay vẫn trả hàng trăm triệu euro mỗi năm cho Moskva, bởi Rosatom cung cấp các thanh nhiên liệu cho 15 lò phản ứng hạt nhân Nga-Liên Xô ở Ukraine, Pavel Lokshin giải thích.

Moskva từ lâu đã chiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường năng lượng hạt nhân toàn cầu. Hiện tại, danh mục các dự án của Rosatom gồm 36 lò phản ứng tại 12 quốc gia với tổng đơn đặt hàng trị giá 133 tỷ USD. 

Điều này cũng là do sự yếu kém của các đối thủ cạnh tranh: công ty Westinghouse của Mỹ đã phá sản và trở thành tài sản của một nhóm các nhà đầu tư, công ty quốc doanh Framatome của Pháp phải hứng chịu bê bối liên quan đến các lò phản ứng cũ kĩ, các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc và Hàn Quốc được xem là chưa được thử nghiệm đầy đủ.

Ngược lại, các nhà máy điện hạt nhân của Nga đã hoạt động rất tốt trong hơn 30 năm kể từ sự cố Chernobyl. Nga có thể đưa ra nhiều lập luận độc đáo để bán các dịch vụ của mình trong lĩnh vực điện hạt nhân. 

Như phóng viên báo Đức nhấn mạnh, Rosatom không có nghi ngờ chính trị và tham gia vào các dự án nơi các doanh nghiệp phương Tây không dám mạo hiểm. Ví dụ, ở Iran, Rosatom đã chấp nhận dự án bị đóng băng từ lâu, mà Siemens và AEG đã từ bỏ sau Cách mạng Hồi giáo. Hai lò phản ứng hạt nhân mới cũng đang được xây dựng ở Iran.

Cùng với các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc, Rosatom đang hướng đến những quốc gia mới trong lĩnh vực hạt nhân, những nước chưa có ngành công nghiệp hạt nhân hoặc nhà máy điện hạt nhân của họ. 

Các doanh nghiệp chuyên ngành, trong thành phần “tập đoàn nhà nước” này, cung cấp tất cả các loại dịch vụ, từ xuất khẩu nhiên liệu và lưu trữ tạm thời các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng cho đến tháo dỡ lò phản ứng sau khi kết thúc vận hành. Ngoài ra, Rosatom đưa ra mức giá có lợi, theo tính toán của công ty là từ 50-60 USD cho 1 MW giờ.

Các quốc gia như Ai Cập, Bangladesh hay Thổ Nhĩ Kỳ, sẵn sàng chấp nhận các điều kiện như vậy, đặc biệt là vì Rosatom cũng đảm nhận việc cung cấp tài chính cho các dự án nhà máy điện hạt nhân đắt tiền ở các quốc gia chưa có điện hạt nhân.

Với một trong những nhà máy điện hạt nhân của Ai Cập, Rosatom đã thu xếp khoản vay của nhà nước chiếm 85% tổng chi phí là 30 tỷ USD. Công việc xây dựng đang được tiến hành cho nhà máy điện hạt nhân trong tương lai ở Bangladesh, nơi tập đoàn Nga đầu tư 12 tỷ USD vào dự án, chiếm 90% tổng chi phí.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nước có tầm quan trọng chiến lược lớn đối với Nga vì vai trò của nước này ở Trung Đông, Rosatom đang thể hiện sự hào phóng. Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu sẽ được Moskva chi trả mọi chi phí lên tới 22 tỷ USD và sẽ chỉ nhận được lợi nhuận từ việc bán điện nhà máy phát ra.

Các chuyên gia Nga đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng thỏa thuận như vậy có thể có lợi cho Rosatom, Pavel Lokshin nhấn mạnh. Tuy nhiên, đối với Nga nhìn chung, điều này rõ ràng có lợi. 

Các thỏa thuận về nhà máy điện hạt nhân có thể tiếp tục mở ra cơ hội cho các thỏa thuận công nghệ cao khác, chủ yếu liên quan đến vũ khí. Vì vậy, Ankara đã mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga với giá 2,5 tỷ USD - một chiến thắng chiến lược đối với Điện Kremlin và thiệt hại cho NATO, điều không thể tính bằng tiền bạc.

Ai Cập, theo truyền thống là đồng minh của Mỹ và là khách hàng của Rosatom, hiện cũng là một trong những nước mua vũ khí lớn nhất của Nga. Cho đến nay, nhà máy điện hạt nhân Akkuyu là dự án duy nhất được Nga ưu đãi như đề cập đến ở trên, song tình hình có thể thay đổi vì Nga muốn mở rộng sang châu Phi.

Nhu cầu rất lớn đang hiện hữu ở đó, bởi chỉ 40% dân số của lục địa ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara được cung cấp điện. Nhiều nước châu Phi đang cân nhắc điện hạt nhân.

Ngoài Ai Cập, Rosatom đang đàm phán các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tiềm tàng với 8 quốc gia và dự kiến sẽ có ưu thế trước đối thủ Trung Quốc. Tác giả bài báo coi Nigeria là ứng cử viên có khả năng nhất cho dự án nhà máy điện hạt nhân tiếp theo của Nga./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục