Nhà máy xử lý rác ngừng hoạt động, tồn hơn 3.000 tấn chưa qua xử lý

20:07' - 01/06/2018
BNEWS Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Võ Ngọc Trình cùng đoàn công tác đã tổ chức kiểm tra thực tế tại Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt, tại tiểu khu 163B, xã Xuân Trường (thành phố Đà Lạt).

Đoàn đã phát hiện tình trạng để rác tồn đọng quá nhiều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Qua kiểm tra thực tế thời điểm đó, tổng lượng rác tại nhà máy (kể cả khối lượng rác chôn lấp chưa được đào lên) là trên 4.300 tấn, trong đó lượng rác đã xử lý khoảng hơn 1.000 tấn.

Tại thời điểm kịểm tra có 3 lò đốt rác của nhà máy đều ngừng hoạt động; 2 hệ thống băng chuyền thì có một hệ thống đã lắp ráp nhưng chưa hoàn chỉnh. Nhà máy sản xuất phân vi sinh mới xây dựng nhà xưởng, chưa đi vào hoạt động, chưa lắp đặt dây chuyền xử lý rác.

Đặc biệt, nhà máy chưa đầu tư các hạng mục bảo vệ môi trường như: Không có biện pháp thu gom nước rỉ rác và xử lý nước rỉ rác. Khu vực tập kết rác không được lót bạt và một phần không được che chắn nên phát tán mùi, nước rỉ rác và rác phát tán bay ra khu vực xung quanh.

Sau khi kiểm tra, UBND thành phố Đà Lạt đã có văn bản số 2355/BC-UBND gửi tỉnh Lâm Đồng xem xét, đồng thời yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn môi trường Năng Lượng Xanh tập trung xử lý dứt điểm khối lượng rác đang tồn đọng bên trong khuôn viên nhà máy theo đúng quy trình công nghệ của nhà máy; thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tại khu vực; khẩn trương đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý rác như hệ thống lò đốt, băng chuyền…và các hạng mục công trình khác để đảm bảo cho việc xử lý rác tại nhà máy.

Trước đó, vào tháng 3/2015, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng bất ngờ kiểm tra hành chính Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt, đã bắt quả tang Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt đang chôn lấp hàng chục ngàn tấn rác thải trái phép.

Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt được đưa vào hoạt động từ năm 2015 với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 200 tấn chất thải rắn/ngày. Chất thải sau khi đốt được giới thiệu dùng để chế biến thành phân vi sinh./.

Xem thêm:

>>>Kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường thứ phát từ lò đốt chất thải rắn y tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục