Nhà Trắng bác khả năng dùng Hiến pháp để giải quyết vấn đề trần nợ công

09:40' - 24/05/2023
BNEWS Ngày 23/5, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden không có kế hoạch viện dẫn Tu chính án thứ 14 để ngăn Mỹ rơi vào vỡ nợ, theo đó bác khả năng sử dụng hiến pháp để vượt qua bế tắc về nợ công.

Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã tiến hành 3 vòng đàm phán trực tiếp nhằm đạt thỏa thuận về nâng trần nợ công để Mỹ có thể đáp ứng các cam kết chi tiêu hiện nay. Theo một số chuyên gia, việc viện dẫn Tu chính án thứ 14 trong Hiến pháp sẽ cho phép Bộ Tài chính bỏ qua giới hạn về nợ công.

Tuy nhiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre khẳng định giải pháp này sẽ không giúp giải quyết được vấn đề hiện nay. Bên cạnh đó, bà Karine Jean-Pierre cũng dường như bác khả năng gia hạn trần nợ trong ngắn hạn để Tổng thống Biden và nhóm của nghị sĩ McCarthy có thêm thời gian đàm phán, khi khẳng định giải pháp này không nằm trong cuộc thảo luận.

 

Trong thông báo mới nhất, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tuyên bố ông không tin có thể đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ công trong ngày 23/5 (theo giờ Mỹ).

Trong khi đó, nhà đám phán của đảng Cộng hòa, Hạ nghị sĩ Garret Graves cho biết hai bên chưa có kế hoạch nối lại đàm phán khi mà sự khác biệt về quan điểm với Nhà Trắng vẫn còn rất lớn.

Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ cho biết ngân sách của bộ tính đến ngày 22/5 là 68,34 tỷ USD, thấp hơn so với mức 60,66 tỷ USD của ngày 19/5 và 87,43 tỷ USD cách đây một tuần.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo bộ này có thể hết khả năng trang trải chi phí cho các hoạt động vào ngày 1/6 tới, nếu Quốc hội không hành động để nâng trần nợ công. Tính đến ngày 17/5, Bộ Tài chính có khả năng vay thêm 92 tỷ USD thông qua các biện pháp quản lý tiền mặt bất thường nhằm tránh vượt giới hạn nợ công.

Các cuộc đàm phán giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về nâng trần nợ công không mang lại kết quả, khi hai bên giữ quan điểm khác biệt trong vấn đề này.

Đảng Cộng hòa cho rằng không thể nâng trần nợ công nếu chính phủ không có các biện pháp mạnh tay để giảm thâm hụt ngân sách. Các biện pháp này bao gồm cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội và hạn chế diện tiếp cận với Medicaid, chương trình trợ cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden phản đối các biện pháp trên, thay vào đó, đưa ra kế hoạch giảm một số chi tiêu và tăng thuế đối với những người giàu nhất cũng như các tập đoàn hiện đang được hưởng các khoản giảm thuế lớn. Phía Cộng hòa không chấp nhận biện pháp tăng thuế này.

Giới chuyên gia cảnh báo Chính phủ Mỹ vỡ nợ sẽ dẫn tới những hệ lụy lớn đối với nền kinh tế nước này, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp, lãi suất ngân hàng và thị trường bất động sản, chưa kể hiệu ứng domino đối với kinh tế toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục