Nhận diện vi phạm tín dụng-Bài 2:Tranh chấp trong tín dụng ngân hàng - Muôn hình vạn trạng

08:51' - 30/11/2019
BNEWS Trong 4 năm qua, các cấp Viện Kiểm sát nhân dân khu vực phía Bắc đã thụ lý gần 1.500 vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến tranh chấp trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng.
Trong ảnh: Tuyên án vụ án Ngân hàng Đại Tín giai đoạn 2. Ảnh: Thành Chung - TTXVN
Trong 4 năm qua, các cấp Viện Kiểm sát nhân dân khu vực phía Bắc đã thụ lý gần 1.500 vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến tranh chấp trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng. Số lượng các vụ việc này gia tăng hàng năm. Các tranh chấp phát sinh do một trong các bên vi phạm nghĩa vụ đã cam kết trong các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh. Các tranh chấp cũng phát sinh khi các chủ thể không thống nhất về giải ngân, về cách tính lãi, về phương thức xử lý thu hồi tài sản… Những tranh chấp này tập trung chủ yếu vào 2 nhóm chủ thể là tổ chức tín dụng, cán bộ tín dụng và các khách hàng, tổ chức, cá nhân có liên quan.

* Bất lợi từ thiếu sót, vi phạm của tổ chức tín dụng

Khi tham gia quan hệ tín dụng, các tổ chức tín dụng cơ bản đã tuân thủ đúng và đủ quy định Bộ luật Dân sự, Luật các Tổ chức tín dụng và văn bản pháp luật khác về cho vay, về thế chấp tài sản. Khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng tín dụng, vi phạm cam kết giao tài sản thế chấp thì việc khởi kiện ra Tòa sẽ là biện pháp nhằm bảo đảm quyền lợi của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên trên thực tế, có không ít vụ án bị Tòa án tuyên bất lợi cho tổ chức tín dụng, hoặc nếu tuyên có lợi cũng không thi hành được do các thiếu sót, vi phạm của chính tổ chức tín dụng và cán bộ của tổ chức tín dụng gây ra.

Những vi phạm, thiếu sót này chủ yếu là tổ chức tín dụng và cán bộ của tổ chức tín dụng thẩm định hồ sơ vay vốn chưa chặt chẽ; cho khách hàng không đủ điều kiện vay vốn; cho vay đối với khách hàng không có tài sản bảo đảm khi chưa đủ điều kiện, người ký cho vay không đúng thẩm quyền, tài sản đã có giao dịch khác trước khi thế chấp; định giá tài sản bảo đảm cao hơn giá thực tế; kiểm soát giải ngân chưa tốt; quản lý khoản vay chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra sử dụng vốn sau khi vay vốn...

Một trong nguyên nhân dẫn tới hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp vô hiệu là do người ký kết hợp đồng không có thẩm quyền ký kết; không được ủy quyền hoặc ký hợp đồng vượt quá phạm vi ủy quyền. Đơn cử như trong vụ tranh chấp Hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn Agribank Chi nhánh Mê Linh (Hà Nội) và bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn và xây dựng PT. Ông Đỗ Như Nghĩa (quyền Giám đốc Agribank Chi nhánh Mê Linh) ủy quyền cho ông Nguyễn Ngọc Chu (Giám đốc Phòng giao dịch Thạch Đà) cho vay đối với doanh nghiệp tối đa là 1 tỷ đồng. Song ông Nguyễn Ngọc Chu vẫn ký cho Công ty PT vay 3 tỷ đồng là vượt quá thẩm quyền.

Để quyết định việc cho vay, ngân hàng phải thẩm định hồ sơ vay vốn chặt chẽ, phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn, khả năng tài chính của mình, biện pháp trả nợ, sau khi giải ngân phải kiểm tra việc sử dụng vốn theo quy định tại Điều 94 - Luật các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên trên thực tiễn một số ngân hàng không thực hiện đúng trình tự, thủ tục, duyệt cho khách hàng vay không đủ điều kiện. Có trường hợp người vay ngay từ đầu đã lợi dụng sơ hở của ngân hàng, sự thiếu trách nhiệm của cán bộ tín dụng, lập hồ sơ khống, dựng chứng từ giả để vay vốn và chiếm đoạt số tiền vay, có dấu hiệu của tội phạm hình sự, tuy nhiên ngân hàng không tố cáo đến cơ quan điều tra mà khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp, vụ án đã được cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết bằng bản án dân sự, kinh doanh thương mại nhưng đã bị Tòa án cấp trên hủy để chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự.

Điển hình là 18 vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á và bị đơn là 18 hội viên Hội Phụ nữ xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Các hội viên này đã đề nghị và được ngân hàng cho vay vốn bằng hình thức vay tín chấp, mục đích “chăn nuôi” và “mua máy làm thêm”. Tuy nhiên, cả 18 người này đều vay hộ cho anh Nguyễn Đại Quyết (ở cùng thôn) để lập xưởng may. Anh Quyết không trả được nợ dẫn đến 18 hộ vi phạm hợp đồng tín dụng. Khi giải quyết vụ án, một số người không thừa nhận chữ ký của họ trên hồ sơ vay vốn, hoặc có trường hợp ký vào một bên “nhận thừa kế’ trong hợp đồng tín dụng nhưng không có mối quan hệ quen biết với người vay, hồ sơ vay ghi sai tên, địa chỉ người vay, những nội dung này không được ngân hàng kiểm tra, phát hiện. Ngân hàng cho vay bằng tín chấp nhưng sau khi giải ngân không kiểm tra, không biết khách hàng sử dụng vốn sai mục đích nên không có biện pháp tác động kịp thời để thu hồi vốn.

Một dạng vi phạm khác khá phổ biến của tổ chức tín dụng là định giá tài sản thế chấp cao hơn giá trị thực, cho vay số tiền lớn hơn trị giá tài sản thế chấp; sử dụng tài sản thế chấp của hợp đồng vay vốn đã tất toán đế thế chấp cho hợp đồng vay vốn khác khi chưa có sự chấp thuận của chủ sở hữu tài sản và không thông báo cho chủ sở hữu tài sản. Theo quy định tại Điều 317 và 319 – Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng thế chấp có hiệu lực từ thời điểm giao kết và chấm dứt khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra trường hợp ngân hàng sử dụng tài sản thế chấp của hợp đồng vay vốn đã tất toán, thậm chí chưa tất toán để tiếp tục thế chấp cho hợp đồng vay vốn khác khi chưa có sự chấp thuận của chủ sở hữu và không thông báo cho chủ sở hữu, định giá tài sản cao hơn giá trị thực, cho vay số tiền nhiều hơn giá trị tài sản đảm bảo.

Đáng chú ý là vụ Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam ký hợp đồng tín dụng cho Công ty cổ phần xây dựng số 11 Thuận An vay số tiền 3 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là nhà và đất đứng tên vợ, chồng ông Trần Mạnh Toán và bà Lộc Thị Tuyết. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thể hiện: Diện tích nhà, đất đã được ông Toán, bà Tuyết thế chấp cho ngân hàng ngày 30/3/2009 để vay 800 triệu đồng, đến ngày 21/7/2010 mới được xóa thế chấp. Trong khi đó ngày 20/7/2010 (trước thời điểm giải chấp 1 ngày), Ngân hàng lại dùng chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Toán, bà Tuyết khi chưa được xóa thế chấp để công chứng, ký hợp đồng thế chấp giữa ngân hàng, Công ty Thuận An và vợ, chồng ông Toán, bà Tuyết là vi phạm các Điều 344, Điều 350 – Bộ luật Dân sự năm 2005.

Mặt khác cán bộ ngân hàng đã tự nâng giá trị tài sản của ông Toán, bà Tuyết từ 2.140 triệu đồng (định giá năm 2009) lên 4.997 triệu đồng đồng (định giá năm 2010) và cho vay cao hơn số tài sản thế chấp. Như vậy, chỉ sau một năm, giá trị tài sản được định giá tăng gấp đôi, không sát với  giá trị thực tế và việc định giá tài sản thế chấp năm 2010 không có sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản. Bên cạnh đó, trên đất của ông Toán, bà Tuyết có căn nhà ba tầng, nhưng hợp đồng thế chấp tài sản lại xác định là nhà hai tầng. Do ngân hàng có những vi phạm trên nên Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố hợp đồng thế chấp bị vô hiệu, buộc ngân hàng trả lại cho vợ, chồng ông Toán, bà Tuyết Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và làm thủ tục xóa thế chấp theo quy định của pháp luật.

* Đủ dạng chiêu trò vi phạm

Chủ thể thứ hai trong tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại thuộc lĩnh vực tín dụng ngân hàng là các khách hàng, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Ở nhóm chủ thể này, hành vi vi phạm đa dạng ở các dạng: không trả nợ gốc, lãi đúng hạn; không tự nguyện giao tài sản theo cam kết khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán; giả chữ ký của vợ hoặc chồng vào các hồ sơ tín dụng, hồ sơ thế chấp để vay vốn; thay đổi địa chỉ cư trú gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thu hồi nợ, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng khi giải quyết vụ án; tìm kẽ hở, lách câu chữ trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, bảo lãnh để thoái thác trách nhiệm…

Một trong số các dạng vi phạm điển hình là sử dụng tài liệu chứng từ giả để vay vốn, nâng giá trị tài sản đảm bảo để vay vượt quá giá trị của tài sản thế chấp, sử dụng số tiền vay không đúng mục đích; sử dụng giấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để ký kết các hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng tín dụng trái pháp luật; Giả chữ ký trong các hợp đồng bảo lãnh, các văn bản cam kết để được vay vốn.

Điển hình là vụ Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng là Hợp đồng ủy quyền về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh Nguyễn Chu Ngọc, chị Đặng Thị Huyền với anh Dương Quốc Anh (tại Phòng công chứng số 01 tỉnh Hà Tĩnh) là vô hiệu với lý do tài sản là nhà đất nói trên đã được vợ chồng Ngọc, Huyền thế chấp cho Eximbank, sau đó chuyển nhượng cho Eximbank để trừ nợ.

Cơ quan điều tra đã xác định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được ủy quyền cho Dương Quốc Anh định đoạt, Quốc Anh lại tiếp tục chuyển nhượng cho Nguyễn Như Ý là giả. Còn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp do Eximbank đang giữ là thật. Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy toàn bộ bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh để giải quyết lại, bảo vệ quyền lợi của ngân hàng.

Không ít tổ chức tín dụng còn bị khách hàng chuyển nhượng tài sản tài sản đã thế chấp tại ngân hàng. Đơn cử như vụ nguyên đơn Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí Toàn cầu khởi kiện bị đơn là Công ty cổ phần thương mại Song Ái Phương. Khi xác minh thi hành án mới biết tài sản mà Công ty Song Ái Phương thế chấp cho ngân hàng đã bị Công ty Song Ái Phương bán cho ông Lâm Đức Hùng ngày 1/12/2012. Trong trường hợp này, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã xét xử giám đốc thẩm, tuyên hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về xử lý tài sản thế chấp.

Ngoài hai nhóm chủ thể nói trên, còn thêm một chủ thể khác là các tổ chức, cá nhân liên quan có quan hệ phát sinh giữa hai chủ thể này, đây cũng có thể là những tác nhân gây ra vi phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng./.

Còn tiếp: Bài 3: Trách nhiệm bên thứ ba liên quan

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục