Nhận định chuyên gia: Hệ thống kinh tế “mềm dẻo” để thích ứng với trật tự mới

08:16' - 17/09/2020
BNEWS Kinh tế thế giới đang chứng kiến sự suy yếu của toàn cầu hóa do những tác động của đại dịch COVID-19. Thậm chí có ý kiến cho rằng COVID-19 dẫn tới xu hướng đảo ngược toàn cầu hóa.

Dù gặp nhiều thách thức, song toàn cầu hóa dường như là xu hướng tất yếu và khó đảo ngược. Để thích ứng với trật tự mới và tận dụng cơ hội từ tiến trình này, việc thiết lập hệ thống kinh tế "mềm dẻo" bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do và tăng cường hệ thống thương mại đa phương là điều cần thiết.

Các chuyên gia kinh tế đã có cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho phóng viên TTXVN thường trú tại New York, Sydney, Brussels và phóng viên tại Việt Nam liên quan đến những nhận định này. Sau đây là những nội dung chính của chùm bài phỏng vấn:

* Xu hướng toàn cầu hóa đang chậm lại, nhưng có dễ bị đảo ngược?

Kinh tế thế giới đang chứng kiến sự suy yếu của toàn cầu hóa do những tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Thậm chí có ý kiến cho rằng COVID-19 dẫn tới xu hướng đảo ngược toàn cầu hóa.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Long, Đại học Quốc gia Australia (ANU), đưa ra một cái nhìn tổng thể về toàn cầu hóa đặt trong một trật tự kinh tế mới.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Long cho hay: “Nhìn những diễn biến nổi bật gần đây, cụ thể là sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ và Trung Quốc) và đại dịch COVID-19, có thể nhận xét xu hướng toàn cầu hóa đang chậm lại; cụ thể là dòng lưu chuyển một số hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, có lẽ là quá sớm để kết luận xu thế toàn cầu hóa bị đảo ngược nếu chúng ta đánh giá bức tranh tổng thể và xem xét quá trình toàn cầu hóa trong một khoảng thời gian đủ dài.

Những năm gần đây, một số quốc gia nhận thấy mặt trái của quá trình toàn cầu hóa như nhập cư trái phép, vi phạm bản quyền, biến đổi khí hậu. Những nước này đã có những bước điều chỉnh chính sách phục vụ cho lợi ích của mình như Mỹ với chính sách “Nước Mỹ trước tiên” hay Vương quốc Anh với chủ trương Brexit.

COVID-19 chỉ là một nhân tố đẩy nhanh việc sắp đặt một trật tự kinh tế thế giới mới. Và tôi tin rằng quá trình toàn cầu hóa hiểu theo nghĩa là sự trao đổi thương mại và giao kết giữa các nước sẽ vẫn tiếp tục phát triển trong trật tự kinh tế mới đó”.

Đồng quan điểm trên, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho hay: “Không phải đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát mà trong khoảng 5-6 năm trở lại đây, quá trình toàn cầu hóa thương mại và đầu tư bị 'va đập' rất mạnh với những chiều hướng đi ngược lại trào lưu đó như chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ.

Đại dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều tranh cãi giữa các triết lý như toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế với chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa dân tộc biệt lập. Các nước tập trung vào câu chuyện của riêng mình, lo cho những nỗ lực chống dịch trong nước nên sự phối hợp và hợp tác quốc tế có phần bị suy giảm.

Bên cạnh vấn đề dịch bệnh là yếu tố xung đột địa chính trị, mà nổi lên rất rõ là xung đột Mỹ-Trung trên các mặt trận như thương mại, công nghệ và rất nhiều vấn đề khác. Tất cả những xung đột này làm cho quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế trở nên ‘khúc khuỷu hơn’ với nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng quá trình này về dài hạn thì rất khó, nếu không muốn nói là không thể đảo ngược”.

Tiến sỹ Võ Trí Thành đặt niềm tin vào toàn cầu hóa với quan điểm: “Nhìn chung, toàn cầu hóa là xu hướng tất yếu. Toàn cầu hóa đi lên cùng với sự phát triển của phương tiện vận tải, khoa học công nghệ, trong kết nối thông tin và số hóa. Mặc dù nhiều người nói đến sự dịch chuyển chuỗi giá trị, nhưng xu hướng chung là nền sản xuất trên thế giới vẫn dựa trên rất nhiều các lợi thế khác nhau và được phân bổ ở nhiều nước khác nhau. Nếu hoạt động sản xuất của quốc gia nào chỉ cung cấp cho quốc gia đó thì nền kinh tế sẽ đổ vỡ”.

 

Toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại đầu tư đóng góp vào sự thịnh vượng và tăng trưởng của thế giới, song có thể không khắc phục được vấn đề bất bình đẳng. Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia tại Liên hợp quốc, nhận định: “…Và bởi 1% người giàu nhất nước Mỹ làm chủ tới 50% số cổ phiếu trên thị trường nên giá cổ phiếu tăng thì họ trở nên giàu có hơn. Quan sát như vậy nên nhiều người nghĩ rằng có lẽ đại dịch COVID-19 đang tạo điều kiện cho phân hóa giàu nghèo thêm sâu sắc và có thể đảo ngược quá trình toàn cầu hóa…”.

Đồng thời, ông cũng lưu ý rằng: “Tính đến nay, chưa thể kết luận rằng dòng chảy thương mại quốc tế sẽ đảo ngược”.

Từ góc độ doanh nghiệp, Tiến sỹ kinh tế Pierre Groning, Trưởng đại diện văn phòng Brussels của Hiệp hội công nghiệp hóa của Đức (VCI), đưa ra những giải pháp để khắc phục những yếu tố bấp bênh của toàn cầu và cho vấn đề tăng cường tính hiệu quả của nguồn cung ứng.

Tiến sỹ Groning cho hay: “Đại dịch COVID-19 đã làm quan hệ thương mại căng thẳng. Tuy nhiên, điều quan trọng là chính trị đã không làm tăng những áp lực này một cách không cần thiết. Cuộc khủng hoảng cho chúng ta thấy những cách để thoát ra mạnh mẽ hơn trong khi phải đối mặt với những yếu tố bấp bênh của toàn cầu hóa.

Trước tiên, đó là về việc thiết lập một hệ thống kinh tế mềm dẻo và thích ứng thông qua việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, do đó cần phải thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do cũng như tăng cường hệ thống thương mại đa phương.

Hơn nữa, tăng cường hợp tác pháp lý trong các lĩnh vực quan trọng, như trang thiết bị bảo hộ y tế, có thể tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại giữa các quốc gia. Thứ hai, đó là về việc xây dựng một mô hình tự chủ chiến lược của châu Âu cho phép lưu trữ các sản phẩm thiết yếu mà không làm mất hiệu quả kinh tế của chuỗi cung ứng vừa mang tính toàn cầu vừa đa dạng”.

* Bài toán đa dạng hóa nguồn cung và sự dịch chuyển chuỗi giá trị

Đại dịch COVID-19 đã cho thấy những rủi ro trong chuỗi cung ứng khi các “mắt xích” bị đứt gãy trước tác động của biện pháp phong tỏa để kiềm chế dịch bệnh.

Trước tác động của cuộc khủng hoảng hiện nay, việc đánh giá lại các quốc gia cung ứng sẽ được thực hiện để tăng cường khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng. Tiến sỹ tế Pierre Groning đưa ra quan điểm: Đa dạng hóa không nhất thiết là di dời các chuỗi sản xuất khỏi lãnh thổ một quốc gia hay khu vực. Bên cạnh đó, việc triển khai công nghệ đóng vai trò quan trọng hơn cho sự linh hoạt của mỗi doanh nghiệp.

Để đa dạng hóa nguồn cung cấp, Tiến sỹ Pierre Groning khuyến nghị: “Khi cần thiết thì phải dành các ưu đãi kinh tế cho các công ty muốn “hồi hương” sản xuất về châu Âu. Trong các trường hợp khác, nguồn cung nguyên liệu cần phải được đảm bảo thông qua đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và các hiệp định thương mại tự do mới”.

Nhận định về xu hướng dịch chuyển của chuỗi cung ứng hiện nay, Tiến sỹ Võ Trí Thành cho hay: “Chuỗi cung ứng đang dịch chuyển do nhiều nguyên nhân. Lý do thứ nhất là công nghệ làm thay đổi dịch vụ hỗ trợ và kết nối. Ví dụ như vấn đề chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) hay tự động hóa.

Lợi thế so sánh giữa nhân công và công nghệ, ví dụ như người máy, hoặc dịch vụ hỗ trợ được kết nối nhờ kỷ nguyên số là những yếu tố thúc đẩy chuỗi cung ứng tái sắp xếp và tái phân bổ. Một lý do nữa có thể nhận thấy rõ trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung và bối cảnh đại dịch COVID-19 là người ta đang quan tâm nhiều hơn đến vấn đề độ tin cậy chính trị bên cạnh những hiệu quả kinh tế thuần túy. Trong trường hợp có cú sốc hay khủng hoảng bất ngờ xảy ra, độ tin cậy chính trị sẽ đảm bảo kết nối thị trường, nguồn cung ứng”.

Theo ông, vấn đề không chỉ là nguồn cung cấp mà là đối tác, đặc biệt liên quan đến những mặt hàng chiến lược như mặt hàng thiết yếu, trang thiết bị y tế, hàng hóa trong các lĩnh vực khác như an ninh quốc phòng, công nghệ lõi, công nghệ nguồn. Như vậy, chuỗi cung ứng đã bị yếu tố chính trị chi phối khá nhiều.

Tiến sỹ Võ Trí Thành nhấn mạnh: “Đó là những yếu tố mới dẫn đến sự chuyển dịch của các chuỗi giá trị. Chuỗi cung ứng thuần kinh tế vốn đã nhiều thách thức, nay còn gắn với yếu tố lòng tin chính trị, công nghệ, những cú sốc và rủi ro đi kèm”.

Trong khi đó, Tiến sỹ Vũ Quang Việt cho rằng đối với Việt Nam, “để đa dạng hóa nguồn cung, thì phải đa dạng hóa sản phẩm và khuyến khích chuyển giao công nghệ hơn nữa”. Dẫn chứng trường hợp Nhật Bản và Hàn Quốc, Tiến sỹ lưu ý: Hai nước này thậm chí ngăn cản đầu tư nước ngoài, mua công nghệ và tự phát triển công nghệ mới. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài với điều kiện phải chuyển giao công nghệ.

 

* Những xu hướng mới nổi lên trong trật tự kinh tế thế giới mới

Yếu tố không thể không nhắc tới góp phần làm thay đổi mọi mặt của đời sống, theo Tiến sỹ Võ Trí Thành là công nghệ. Cách mạng 4.0 mà cốt lõi là chuyển đổi số đang định hình và thay đổi về bản chất lối sống của con người.

Tiến sỹ Võ Trí Thành đưa ra nhận định: “Cùng với sự phát triển của công nghệ, hành vi của người tiêu dùng thay đổi. Các xu thế nổi lên trong nhiều năm gần đây là lối sống xanh, thân thiện với môi trường hay tiêu dùng nhân văn đề cao văn hóa kinh doanh. Các từ khóa khác cũng ngày càng phổ biến như cá thể hóa, tiêu dùng thuận tiện và thông minh”.

Một xu hướng khác nữa theo ông Võ Trí Thành là khoảng cách phát triển của nhiều nước, đặc biệt là các siêu cường, ngày càng được thu hẹp, dẫn đến các cuộc tranh giành quyền ảnh hưởng trên thế giới. Rõ nhất là câu chuyện Mỹ-Trung và xu hướng này cũng diễn ra với các cường quốc khác ở các khu vực khác.

Theo Tiến sỹ kinh tế Pierre Groning, Trưởng đại diện văn phòng Brussels của Hiệp hội công nghiệp hóa của Đức (VCI), trong bối cảnh triển vọng toàn cầu không chắc chắn, thì căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc gây nguy hiểm cho trật tự kinh tế toàn cầu. Châu Âu phải xem xét lại mạng lưới thương mại của mình.

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 gây ra những bất ổn lớn đối với việc quay trở lại lối sống cũ. Lưu thông đi lại sẽ vẫn giảm cũng như sự bấp bênh về sản xuất an toàn đè nặng chuỗi cung ứng. Do đó, triển vọng đầu tư trong điều kiện biến động như vậy có thể bị hạn chế.

Tiến sỹ Groning nhấn mạnh: “Mặt khác, chúng ta có thể quan sát các xu hướng dài hạn, chẳng hạn như số hóa, sẽ tiếp tục phát triển, thậm chí là rất mạnh. Ví dụ sự phát triển của thương mại điện tử hoặc cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực nghiên cứu và sáng tạo sẽ thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của toàn cầu hóa”.

Nhìn chung, các chuyên gia có quan điểm thống nhất rằng dịch bệnh và xung đột trên nhiều lĩnh vực giữa các cường quốc trên thế giới có thể khiến cho tiến trình toàn cầu hóa gặp nhiều khúc ngoặt, song xu hướng đảo ngược ít có khả năng xảy ra. Toàn cầu hóa và hội nhập đem lại những lợi ích và đằng sau đó là cả những thách thức và rủi ro. Việc đón nhận thách thức hay cơ hội phụ thuộc vào quá trình cải cách và nâng cao năng lực của các quốc gia./.

>>Bài Cuối: Xu hướng mới của kinh tế toàn cầu: Cơ hội nào cho Việt Nam?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục