Xu hướng mới của kinh tế toàn cầu: Cơ hội nào cho Việt Nam?

08:25' - 17/09/2020
BNEWS Với nền kinh tế có độ mở cao vào loại hàng đầu thế giới, Việt Nam không thể không chịu tác động từ những gì diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu.

Xu hướng thay đổi trật tự kinh tế trên toàn cầu trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến không ít nước rục rịch cơ cấu lại nền kinh tế để thích ứng. Với nền kinh tế có độ mở cao vào loại hàng đầu thế giới, Việt Nam không thể không chịu tác động từ những gì diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu.

* “Lỗ hổng” chuỗi cung ứng và cơ hội cho Việt Nam

Nhiều "ông lớn" dời đại bản doanh khỏi thị trường Trung Quốc và “nhắm” sang Việt Nam. Sau khi Google chọn Bắc Ninh để đầu tư sản xuất điện thoại thông minh Pixel, Amazon và Home Depot cũng đang tăng cường tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam.

Theo nguồn tin của Nikkei, hãng công nghệ Apple sẽ dịch chuyển dây chuyền sản xuất tai nghe Airpod sang Việt Nam. Đây có thể xem là động thái mở đầu cho hàng loạt các công ty lớn của Mỹ và nhiều quốc gia khác tìm kiếm cơ sở sản xuất ở ở các nơi khác ngoài Trung Quốc như Thái Lan, Ấn Độ và Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một lựa chọn sáng giá.

Trong một nghiên cứu mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, dù tương lai còn nhiều bất định, nhưng thế giới sẽ chứng kiến biến chuyển trong giai đoạn hậu COVID-19. Vai trò của chuỗi giá trị toàn cầu đang được xem xét lại bởi tính dễ tổn thương của chuỗi giá trị này trước những tác động của việc đóng cửa nhà máy, đóng cửa biên giới và nhu cầu sụt giảm.

Nhiều quốc gia bắt đầu lo ngại về việc quá phụ thuộc vào một nước trong việc cung ứng một số sản phẩm chiến lược. Vì những lý do này, việc định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu sẽ tạo ra cơ hội hiếm có cho Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc di dời chuỗi sản xuất thực chất bắt đầu từ trước thương chiến Mỹ-Trung nổ ra, nhưng quá trình này diễn ra nhanh hơn kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Việt Nam đang là một trong những thị trường được nhiều “ông lớn” lựa chọn.

Theo Tiến sỹ Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, kể từ năm 2018, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước đã khiến dòng vốn đầu tư giảm mạnh và có sự dịch chuyển giữa các khu vực và các quốc gia.

Đến đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 là một trong những nguyên nhân thúc đẩy quá trình dịch chuyển đầu tư nhanh hơn và quyết liệt hơn. Đặc biệt là xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Với mong muốn tìm kiếm và dịch chuyển một phần sang địa điểm đầu tư mới ổn định hơn, tránh được việc áp thuế cao của Mỹ cũng như giảm thiểu tác động do đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Hiện nay, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam, đang nổi lên là điểm đến cho sự phân bổ lại dòng vốn đầu tư. Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia có nhiều lợi thế về logistics, lao động tay nghề cao nhưng chi phí thấp. Những cái tên như Samsung, Intel, LG, Canon... đã chứng minh sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Bởi thời gian qua, các doanh nghiệp này không ngừng mở rộng quy mô, cùng với doanh thu và lợi nhuận tăng vọt mỗi năm.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hiệu ứng lan tỏa cho ngành công nghiệp Việt Nam đến đâu vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ nếu Việt Nam không sớm cải thiện hạ tầng công nghệ cũng như kỹ năng của lực lượng lao động và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, phải có chính sách ưu tiên các tập đoàn đa quốc gia chuyển công nghệ cao, công nghệ nguồn về Việt Nam.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế đang đảo chiều, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại một cách tin cậy và bền vững hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm hơn.

Sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu đang đem đến cho Việt Nam vận hội mới. Các địa phương sẽ có cơ hội vàng để đón nhận các dòng vốn đầu tư mới với chất lượng cao hơn. Cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là nền tảng quan trọng để đón nhận dòng đầu tư đó.

Cơ hội đã có, nhưng Việt Nam cần phải làm những điều khác biệt để có thể có những kết quả phi thường. Đầu tiên, Việt Nam cần phải tư duy dài hạn về tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Nếu thiếu đi tư duy dài hạn và tầm nhìn lớn, Việt Nam không thể tận dụng cơ hội này thành công.

Theo Tiến sỹ Lê Quốc Phương, chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần tư duy hệ thống tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng cần xây dựng những nhà máy công xưởng sản xuất tương tự với các nhà máy ở các quốc gia với chất lượng, chi phí và độ rủi ro ít hơn. Tiếp theo đòi hỏi Việt Nam đầu tư để có thể làm chủ chuỗi cung ứng từ thượng nguồn tới hạ nguồn, từ các nguyên vật liệu căn bản của một chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, Việt Nam cần làm tốt bài toán cung ứng nguồn nhân lực cho các dự án sản xuất tại Việt Nam. Các nhà máy công xưởng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi người lao động có kỹ năng, tri thức, tư duy và trình độ công nghệ toàn cầu. Cuối cùng, vấn đề logistics cần được làm tốt hơn khi chi phí logistics còn quá cao tại Việt Nam cũng như cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển.

Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn đem lại nhiều lợi thế cho Việt Nam nhưng cũng là một thách thức rất lớn. Làm sao trong thời gian ngắn vừa chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế và đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh khó khăn đó, làm sao để Việt Nam trở thành một điểm sáng trong bản đồ chuỗi cung ứng trên thế giới là vấn đề đang đặt ra. Cơ hội nếu không tận dụng được sẽ làm chậm bước tiến của Việt Nam trên hành trình đi tới sự thịnh vượng.

* Chuyển đổi số để đi tắt đón đầu

Các cuộc tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn, cùng với bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều quốc gia đã có thay đổi nhận thức về toàn cầu hóa và đề cao vai trò của bảo hộ sản xuất trong nước, tự chủ kinh tế. Mặc dù vậy, xu hướng toàn cầu hóa vẫn không vì thế mà sẽ không phát triển trong tương lai.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế vẫn đang là hai xu thế lớn, chi phối sâu sắc tiến trình phát triển của nhân loại. Sự đan xen của các quá trình hội nhập đưa thế giới đến một “cấu trúc ma trận” các hiệp định tự do thương mại (FTA) trên nhiều tuyến và nhiều cấp độ, trong đó phải kể đến các FTA thế hệ mới.

Chính vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục xu hướng đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số để đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực tế thời gian qua việc Việt Nam tích cực tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là dấu hiệu tích cực.

Mặc dù vậy, do các biện pháp giãn cách xã hội của các nước được áp dụng nghiêm ngặt trong dịch COVID-19, nên quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, bối cảnh đó cũng đã thúc đẩy xu hướng thương mại mới đó là thương mại điện tử.

Thương mại điện tử đã được đẩy mạnh để người tiêu dùng có thể mua bán hàng hóa mà vẫn duy trì được nguyên tắc hạn chế tiếp xúc. Trong tương lai, hình thức thương mại điện tử sẽ được lựa chọn nhiều hơn, cùng với đó việc sử dụng tiền mặt sẽ được thay thế bởi phương thức thanh toán trực tuyến, sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh hơn của ngành công nghệ tài chính (Fintech).

Cùng với đó, sự phát triển mang tính đột phá của công nghệ diễn ra nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực, như: trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật, robot, công nghệ in 3 chiều, công nghệ nano, công nghệ sinh học, lưu trữ năng lượng.., đem đến sự thay đổi vượt bậc cho chất lượng cuộc sống, việc làm và sản xuất, kinh doanh.

Xu thế đổi mới công nghệ diễn ra nhanh, đặt ra nguy cơ lớn về tụt hậu song cũng là điều kiện cho các nước đi sau thực hiện các bước phát triển rút ngắn qua việc tận dụng những thành quả phát triển của nhân loại.

Tiến sỹ Lê Xuân Sang, Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng tuy không có ưu thế về công nghệ, vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao, kinh nghiệm quản lý và điều hành nền kinh tế... như các nước phát triển, nhưng nhờ hội nhập và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, Việt Nam có thể huy động và phân bổ hiệu quả hơn các nguồn lực, tiếp nhận kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm quốc tế, để thực hiện “đi tắt, đón đầu”.

Ông Nguyễn Trung Chính, Tổng Giám đốc Tập đoàn CMC, cho rằng: Chuyển đổi số sẽ đem lại 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam, giúp lấy lại đà tăng trưởng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Do đó, cần đầu tư mạnh về chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số. Đồng thời, đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến...

Theo chuyên gia kinh tế - Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, để thích ứng với tình hình mới, cần có sự chuyển đổi mô hình kinh doanh để thích ứng. Các doanh nghiệp cần ứng dụng mạnh công nghệ số, ví dụ như bán hàng qua mạng, thay đổi cung cách quản trị, tương tác nội bộ.

Đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để sẵn sàng cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho các tập đoàn, công ty đa quốc gia cũng là một trong những thế mạnh của doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Các chuyên gia chung quan điểm rằng trong tình mới, mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển.

Các chuyên gia cũng cho rằng thể chế cần phải đi trước một bước khi có thể. Chính phủ kiến tạo thể chế, chính sách nhằm sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm cái mới một cách có kiểm soát; hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm cái mới; làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và nhân rộng; thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo.

Chính phủ đẩy nhanh tiến trình phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu.

Mới đây, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 749/QÐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số (CÐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Tầm nhìn của Chương trình là đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đây được cho là động thái tích cực và nỗ lực của Chính phủ trong việc đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thích ứng với tình hình mới đang diễn ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục