Nhân lực ngành logistics Việt Nam thiếu cả lượng và chất

13:28' - 12/10/2017
BNEWS Để giải quyết được bài toán nguồn nhân lực ngành logictics, việc liên kết đào tạo giữa nhà trường - doanh nghiệp - nhà nước và hiệp hội cần đi vào thực chất.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cả nước hiện có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ logistics, trong đó 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động tích cực. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần hơn 200.000 nhân sự phục vụ trong ngành này.

Tuy nhiên, tại Hội thảo “Đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực về logistics” do Cục Xuất Nhập khẩu Bộ Công Thương phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức sáng nay tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, việc đào tạo như hiện nay đang khiến ngành logistics rơi vào tình trạng thiếu nhân lực cả về lượng và chất.

Bàn thảo về tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lược logictics cả về chất và lượng tại Việt Nam. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Để giải quyết được bài toán nguồn nhân lực, việc liên kết đào tạo nhân lực giữa nhà trường - doanh nghiệp - nhà nước và hiệp hội cần đi vào thực chất.

Đánh giá về thực trạng logistics hiện nay, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong thời gian qua nhưng hiện trình độ và mức độ phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay vẫn ở mức tương đối thấp. Bởi số lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam vẫn quá ít, chỉ vào khoảng 1.300-1.500 doanh nghiệp.

Hơn nữa, mức độ đóng góp cho nền kinh tế của ngành dịch vụ logistics còn thấp, mới chỉ vào khoảng 2-3% GDP. Ngoài ra, tỷ lệ thuê ngoài của ngành dịch vụ logistics chưa cao, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp thương mại vẫn phải tự thực hiện các dịch vụ logistics, khiến hoạt động này kém hiệu quả.

Theo ông Trần Thanh Hải, logistics là ngành đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Vì thế, ngành logistics giai đoạn 2017-2020 sẽ cần thêm khoảng 20 ngàn lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn. Và đến 2030 con số này sẽ chạm ngưỡng 200 ngàn lao động đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh.

Tại Việt Nam, có 3 hình thức đào tạo logistics gồm các cơ sở đào tạo bậc đại học/sau đại học và nghề; tại các hiệp hội và tại chính các doanh nghiệp.

Thống kê cho thấy, Việt Nam đang có 15 cơ sở đào tạo về chuyên ngành logistics hoặc gần chuyên ngành logistics ở cấp đại học/sau đại học và cơ sở dạy nghề về logistics. Tuy vậy, lực lượng giảng viên vẫn đang thiếu và mỏng nên chủ yếu là các chuyên gia từ ngành khác sang giảng dạy khiến kiến thức truyền tải vẫn chưa nhiều.

Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhấn mạnh, có thể thấy nguồn nhân lực trong ngành logistics Việt Nam hiện nay còn yếu và thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng.

Dù đã phát triển dịch vụ logistics bên thứ 3 (3PL) nhưng phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam còn có khoảng cách lớn với các doanh nghiệp nước ngoài về uy tín trên thương trường, dịch vụ khách hàng.

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng đó, ngoài yếu kém về công nghệ là trình độ tay nghề logistics và tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực trong ngành còn thấp.

Ông Nguyễn Tương cũng chỉ ra việc thiếu hệ thống đào tạo bài bản về dịch vụ logistics, sự thiếu chủ động của doanh nghiệp trong đầu tư cho nguồn nhân lực.

Hơn nữa, doanh nghiệp chưa có kế hoạch tuyển dụng định kỳ và lâu dài mà thường chỉ tuyển dụng khi nào cần và chỉ giải quyết yêu cầu trước mắt hơn là kế hoạch phát triển lâu dài.

Những điều đó khiến người lao động không có động lực thúc đẩy để trau dồi chuyên môn trình độ và kỹ năng làm việc của bản thân để trở nên chuyên nghiệp hơn.

Nguyên nhân khác nằm ở chính người lao động ngay từ khi lựa chọn ngành ngề đào tạo đã không hướng tới một công việc cụ thể nên thường thiếu các kỹ năng cần thiết.

Không những thế, lao động cũng chưa chủ động trong việc tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng và tiếp cận các công ty logistics khi còn đang là sinh viên mà đa số chỉ bắt đầu quá trình tìm việc từ 3 - 6 tháng trước khi tốt nghiệp.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hương, Phó Trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cũng thừa nhận một số bất cập về việc chưa có mã ngành logistics. Cùng đó, số lượng sinh viên tham gia học chuyên ngành này cũng chưa nhiều nên thực hành cũng từ đó mà hạn chế hơn.

Do đó, để phát triển và tạo môi trường thuận lợi cho việc đào tạo ngành logistics, bà Trịnh Thị Thu Hương đề nghị Chính phủ cần rà soát và tiếp tục thực hiện, phát triển các chính sách tạo thuận lợi cho các hoạt động của logistics.

Mặt khác, các đơn vị chức năng cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, xác định nhu cầu của doanh nghiệp trong thời gian tới để có kế hoạch đào tạo hợp lý tránh tình trạng đào tạo tràn lan, chi phí tốn kém nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại gia tăng.

Ngoài ra, việc hợp tác công tư góp phần tạo điều kiện cho việc xây dựng kế hoạch và chương trình đào tạo gắn trực tiếp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Đặc biệt, Chính phủ cũng cần trao đổi và mở rộng cơ hội hợp tác đào tạo quốc tế cho các cơ sở đào tạo đại học, tạo môi trường thuận lợi cho việc đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đem cơ hội và học bổng về cho sinh viên và cán bộ trong nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục