Nhân tố nào đẩy đồng euro xuống gần ngang giá với đồng USD?

16:04' - 12/07/2022
BNEWS Khi nền kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đồng euro có giá trị gấp khoảng 1,6 lần đồng USD.

Giờ đây, sự kết hợp giữa việc châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chậm tăng lãi suất đã khiến đồng tiền chung euro tiến gần đến mức ngang giá với “đồng bạc xanh”.

 

Đây là lần đầu tiên đồng euro giảm xuống mức đó kể từ năm 2002, năm đầu tiên đồng tiền này chính thức được phát hành sau 3 năm tồn tại dưới dạng thử nghiệm.

*Nguyên nhân đi xuống

Tính đến ngày 12/7, đồng euro dao động quanh mức 1,004 USD, giảm 12% so với hồi đầu năm. Châu Âu đang phải hứng chịu cuộc hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ qua, hệ quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine, và điều này có thể dẫn đến một cuộc suy thoái sâu và kéo dài.

Bối cảnh đó đặt ECB vào tình thế khó khăn khi vừa phải nỗ lực kiềm chế lạm phát, vừa phải nâng đỡ nền kinh tế đang trên đà giảm tốc, với kế hoạch tăng lãi suất đi vay lần đầu tiên kể từ năm 2011. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang thúc đẩy việc tăng lãi suất nhanh hơn nhiều so với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Điều này làm cho lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cao hơn so với lợi suất trái phiếu của châu Âu, khiến các nhà đầu tư chuyển sang đồng USD và tránh xa đồng euro. Hơn nữa, “đồng bạc xanh” được hưởng lợi từ vị thế vốn có của nó như một “thiên đường trú ẩn an toàn”, có nghĩa là khi xung đột và bất ổn càng kéo dài, nguy cơ suy thoái kinh tế càng trở nên rõ nét hơn, đồng euro sẽ tiếp tục trượt giá.

*Đồng tiền yếu hơn, tốt hay xấu?

Trong nhiều năm, các nhà hoạch định chính sách Eurozone đã coi đồng tiền suy yếu như một phương tiện để kích thích tăng trưởng kinh tế, vì nó làm cho hàng xuất khẩu của EU trở nên cạnh tranh hơn.

Nhưng hiện tại, với mức lạm phát trong Eurozone đang ở mức cao kỷ lục, điểm yếu của đồng tiền yếu bắt đầu bộc lộ, bởi nó khiến hàng hóa nhập khẩu đắt hơn. Vào tháng 6/2022, giá tiêu dùng tại Eurozone đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Một số nhà hoạch định chính sách đã nhấn mạnh rằng, đồng euro thấp là một rủi ro đối với mục tiêu đưa lạm phát trở lại 2% trong trung hạn của ECB, mặc dù ngân hàng này không đặt ra mục tiêu nào đối với tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, khi so sánh với các loại tiền tệ khác ngoài đồng USD, đồng euro có vẻ vẫn linh hoạt hơn.

*Tỷ lệ 1 đổi 1

Lần đầu tiên đồng euro ngang giá với đồng USD là vào tháng 12/1999, chưa đầy một năm sau khi ra đời. Cũng giống như hiện tại, các nhà phân tích sau đó đã chỉ ra sự chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu của Đức và Mỹ, cũng như sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn của nền kinh tế Mỹ.

Đó là một “vết xước” trong niềm tự hào của người châu Âu, vốn coi đồng tiền chung là một dự án chính trị quan trọng và là đối thủ chính của đồng USD đang thống trị thị trường toàn cầu.

Ngày nay, đồng euro được coi là một trong những đồng tiền quan trọng của thế giới để giao dịch và dự trữ, mặc dù tỷ lệ 1 đổi 1 với đồng USD vẫn còn mang tính biểu tượng. Đối với thị trường tài chính, các nhà giao dịch tiền tệ dự kiến tỷ lệ 1:1 của đồng euro và USD sẽ gây ra sự xáo trộn trên thị trường.

*Đâu là mức sàn?

Khó mà đoán được đồng euro sẽ còn giảm ra sao so với đồng USD. Một số nhà phân tích dự đoán, đồng tiền chung châu Âu có thể trượt xuống 90 xu Mỹ nếu Nga gây thêm căng thẳng bằng cách cắt giảm mạnh hơn nữa nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Theo dữ liệu giao dịch từ Depository Trust & Clearing Corporation, kể từ đầu tháng 7/2022, các nhà giao dịch đã đặt cược vào tỷ giá 1 euro đổi 0,985 USD - 0,950 USD và cho đây là "đáy" ngắn hạn của đồng euro.

Còn các chiến lược gia của Deutsche Bank lại tính toán rằng tỷ giá 1 euro đổi 0,95 - 0,97 USD là mức "đáy" mọi thời đại kể từ khi hệ thống Bretton Woods, hệ thống liên kết giá trị của nhiều loại tiền tệ với đồng USD, đổ vỡ. Tuy nhiên, mức giảm đó vẫn có thể lặp lại nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái.

*Thay đổi như thế nào?

Vấn đề ở đây là việc thu hẹp chênh lệch lãi suất với các thị trường trái phiếu trên toàn cầu. Vào thời điểm Fed đã nâng 1,5 điểm phần trăm lãi suất chỉ trong ba tháng, ECB vẫn chưa có động thái nào, giữ nguyên mức lãi suất chủ chốt của mình.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách châu Âu báo hiệu bắt đầu chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ, trong đó có dự kiến nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng Chín tới, song vẫn xuất hiện những hoài nghi về việc họ có thể duy trì nó trong bao lâu. ECB khó nâng lãi suất hơn các ngân hàng trung ương khác.

Trước hết là vì chi phí đi vay của các quốc gia thành viên Eurozone đang mắc nợ có nguy cơ vượt tầm kiểm soát nếu các nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ về khả năng duy trì “gánh nợ” của họ.

Thậm chí, đồn đoán rằng các nhà hoạch định chính sách ECB đang có kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến vào tháng 6/2022 đã khiến lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italy tăng lên trên 4% lần đầu tiên kể từ năm 2014.

Kể từ đó, các nhà đầu tư đã ít nhiều yên tâm trước những hứa hẹn về một công cụ để ngăn chặn những đợt tăng đột biến và không chính đáng của lợi suất trái phiếu. Nhưng nếu kế hoạch đó khiến thị trường thất vọng, họ có thể bắt đầu hoài nghi mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ của ECB.

*Khủng hoảng đồng euro?

Thực ra, không thể nói đồng euro đang rơi vào khủng hoảng. Mặc dù ngoài áp lực về giá trị, đồng tiền chung châu Âu đã phải đối mặt với những thách thức như đã từng trong quá khứ. Kể từ khi ra đời, những người phản đối đòng euro đã chỉ ra những khó khăn trong việc quản lý một liên minh tiền tệ của các nền kinh tế khác nhau.

Điều đó trở nên rõ ràng nhất trong cuộc khủng hoảng nợ công năm 2012 của Eurozone, khi các nhà đầu tư bắt đầu tránh xa trái phiếu của các quốc gia mắc nợ nhiều như Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha. Sự gia tăng của các chính trị gia hoài nghi châu Âu ở Italy và các nơi khác cũng gây lo ngại về khả năng phục hồi của khối.

Một thời điểm quan trọng là vào tháng 7/2012, khi Chủ tịch ECB Mario Draghi cam kết sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để cứu đồng tiền chung. Tuy nhiên, sự can thiệp trực tiếp để hỗ trợ đồng euro trên thị trường ngoại hối là rất hiếm, mặc dù các ngân hàng trung ương đã hành động vào năm 2000.

*Biến số khó đoán định

Các nhà phân tích tại Ngân hàng trung ương Canada (Ca-na-đa) giải thích rằng, nửa cuối năm 2022 khó có điều kiện thúc đẩy đồng euro tăng giá, và điều này có thể khiến nền kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái.

Hiện thị trường đang tập trung sự chú ý vào các dữ liệu lạm phát ở Mỹ, dự kiến được công bố trong ngày 13/7, trong đó tỷ lệ lạm phát tháng 6/2022 có thể ở mức 8,8%.

George Saravelos, trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối tại Deutsche Bank, cho rằng, nhu cầu “tránh bão” ở đồng USD có thể tăng mạnh hơn nếu châu Âu và Mỹ cùng rơi vào suy thoái.

Thậm chí, theo ông Saravelos, đồng euro có thể xuống thấp hơn ở mức 1 euro đổi 0,95-0,97 USD nếu cả châu Âu và Mỹ chìm sâu vào suy thoái trong quý III/2022 trong lúc Fed tiếp tục nâng lãi suất.

Đây là thông tin tốt lành với những người Mỹ dự tính đi du lịch châu Âu trong mùa Hè này, nhưng có thể là tin tồi tệ với sự ổn định của kinh tế toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục