Nhật Bản cân nhắc sử dụng gạo dự trữ để ổn định thị trường

14:58' - 25/01/2025
BNEWS Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc sử dụng gạo dự trữ quốc gia để đảm bảo nguồn cung ổn định trên thị trường, qua đó kiềm chế đà tăng giá đối với mặt hàng thiết yếu này.

Trước tình hình giá gạo vẫn duy trì ở mức cao, Bộ trưởng Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản, ông Taku Eto, cho biết, Chính phủ nước này đang cân nhắc sử dụng gạo dự trữ quốc gia để đảm bảo nguồn cung ổn định trên thị trường, qua đó kiềm chế đà tăng giá đối với mặt hàng thiết yếu này.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu trước báo giới sau cuộc họp Nội các sáng ngày 25/1, Bộ trưởng Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản Taku Eto nhận định, giá gạo có khả năng vẫn duy trì ở mức cao trong năm nay và Bộ này có trách nhiệm đối với việc đảm bảo cung ứng lương thực ổn định. Nếu tình trạng giảm tiêu thụ gạo tiếp diễn, nhu cầu trong nước sẽ sụt giảm và gây ảnh hưởng tiêu cực cho cả người sản xuất. Vì thế, Chính phủ đang cân nhắc sử dụng đến nguồn gạo dự trữ quốc gia để ứng phó với tình trạng này.

Số liệu của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản cho thấy, giá gạo giao dịch trung bình trong tháng trước đã tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, liên tục đạt mức cao nhất trong 4 tháng liên tiếp kể từ khi bắt đầu khảo sát vào năm 2006.

Theo ghi  nhận của phóng viên TTXVN, hiện tại các kệ hàng bày bán gạo trong siêu thị ở thủ đô Tokyo không có tình trạng khan hiếm nhưng giá vẫn ở mức cao. Đây cũng là lý do nhiều người lựa chọn các cửa hàng chuyên bán gạo để mua với mức giá “mềm” hơn so với ở trong siêu thị.

Ông Miwa Yasushi, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Tổng hợp Nhật Bản cho biết, đây là một biện pháp bất thường so với vai trò ban đầu của gạo dự trữ. Chỉ riêng thông điệp về khả năng tung gạo dự trữ cũng có thể giúp giá gạo hạ nhiệt phần nào. Nếu thị trường không phản ứng kịp, giải pháp này gần như chắc chắn phải sử dụng đến. Việc này sẽ giúp khắc phục tình trạng đình trệ lưu thông và đưa giá gạo, vốn đang ở mức cao bất thường, trở về trạng thái bình thường, đồng thời ngăn chặn giá tăng thêm. Mặc dù giá gạo tại các cửa hàng sẽ khó giảm ngay lập tức, nhưng trong vài tháng tới, người tiêu dùng Nhật Bản có thể cảm nhận được hiệu quả của giải pháp này.

Ông Yasushi cũng cho biết, nếu tình trạng biến đổi khí hậu tiếp diễn trong các năm tới, nguy cơ khan hiếm gạo và tăng giá sẽ ở mức cao chưa từng thấy. Lần này là biện pháp ứng phó mang tính khẩn cấp, nhưng từ góc độ an ninh lương thực, chính phủ Nhật Bản cần sớm sửa đổi luật để tạo được nhận thức chung trong xã hội về các chính sách dài hạn nhằm bình ổn giá gạo trên toàn quốc.

Theo luật pháp Nhật Bản, gạo dự trữ quốc gia là lượng gạo được chính phủ Nhật Bản tích trữ nhằm ứng phó với tình huống sản lượng gạo giảm mạnh đột  ngột. Hệ thống dự trữ gạo bắt nguồn từ tình trạng thiếu gạo nghiêm trọng trên toàn quốc vào năm 1993 buộc Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Luật Lương thực một năm sau đó, quy định cần duy trì một lượng gạo nhất định trong kho để ứng phó với tình trạng thiếu hụt bất thường.

Hiện tại, Chính phủ Nhật Bản đang duy trì khoảng 1 triệu tấn gạo dự trữ, con số được cho là đủ để ứng phó tương ứng với một vụ mất mùa nghiêm trọng có xác xuất xảy ra 10 năm/lần hoặc hai năm liên tiếp sản lượng gạo thấp kỷ lục. Lượng gạo này tương đương khoảng 1/7 nhu cầu tiêu thụ gạo dùng làm lương thực chính mỗi năm.

Thời điểm tháng 6/2024, Chính phủ Nhật Bản đã dự trữ được khoảng 910.000 tấn gạo. Mỗi năm, chính phủ mua vào khoảng 200.000 tấn gạo thông qua đấu thầu và theo cơ chế hiện tại, gạo dự trữ không được sử dụng trong vòng 5 năm sẽ được bán làm thức ăn chăn nuôi.

Từ khi hệ thống dự trữ gạo hiện hành được áp dụng, chưa từng có trường hợp gạo dự trữ được xuất ra để bù đắp thiếu hụt gạo dùng làm lương thực chính. Tuy nhiên, gạo dự trữ đã từng được sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt như năm 2011, sau trận động đất lớn ở Đông Nhật Bản, 40.000 tấn gạo đã được bán cho các nhà phân phối bị ảnh hưởng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục