Nhật Bản đánh đi tín hiệu không vội tăng lãi suất

15:20' - 24/09/2024
BNEWS Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, ông Kazuo Ueda cho biết ngân hàng này có thể dành thời gian để xem xét kỹ lưỡng thị trường và tình hình kinh tế ở nước ngoài khi thiết lập chính sách tiền tệ.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), ông Kazuo Ueda cho biết ngân hàng này có thể dành thời gian để xem xét kỹ lưỡng thị trường và tình hình kinh tế ở nước ngoài khi thiết lập chính sách tiền tệ. Bình luận này cho thấy BoJ không vội vã tăng lãi suất.

 

Ông Ueda nhắc lại rằng BoJ sẽ tăng lãi suất nếu lạm phát cơ bản hướng đến mục tiêu 2% như dự kiến. Đây là một dấu hiệu cho thấy không có thay đổi nào trong lập trường của ngân hàng này nhằm dần dần đẩy chi phí đi vay lên từ mức gần bằng 0.

Tuy nhiên, ông cảnh báo về những rủi ro xung quanh triển vọng, chẳng hạn như biến động của thị trường tài chính và sự không chắc chắn về việc kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm hay không.

Theo ông Ueda, BoJ cần dành thời gian xem xét kỹ lưỡng các động thái của thị trường và tình hình kinh tế nước ngoài khi thiết lập chính sách tiền tệ.

Những phát biểu trên cho thấy sự thay đổi trong trọng tâm của BoJ khỏi các rủi ro lạm phát, hướng tới vấn đề giảm tốc của kinh tế toàn cầu chậm lại và sức ép từ đà tăng của đồng yen đối với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản.

BoJ đã quyết định giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp ngày 20/9, sau khi đợt tăng lãi suất vào tháng 7/2024 đã khiến đồng yen tăng mạnh và gây ra biến động trên thị trường toàn cầu.

Trong một thời gian dài, BoJ là một ngoại lệ trong số các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu khi duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% nhờ vào đà tăng lương.

Tháng Ba năm nay, BoJ đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007 và thêm một lần tăng nữa vào tháng Bảy, báo hiệu rằng nhiều đợt tăng lãi suất nữa có thể diễn ra. Động thái này khiến các nhà đầu tư bất ngờ và thị trường rơi vào tình trạng hỗn loạn do lo ngại suy thoái kinh tế tại Mỹ.

Nhiều nhà đầu tư đã phải rút khỏi chiến lược giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) tức là vay đồng yen để đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn ở nước ngoài. Phản ứng này đã đẩy giá trị của đồng yen lên cao hơn.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục