Nhật Bản điều chỉnh tốc độ tăng GDP quý I/2023

15:51' - 08/06/2023
BNEWS Kinh tế Nhật Bản trong quý I/2023 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức báo cáo trước đó.

Các số liệu chính phủ công bố ngày 8/6 cho thấy chi tiêu của doanh nghiệp có sự điều chỉnh tăng lên, một dấu hiệu chứng tỏ về sự phục hồi của nhu cầu trong nước.

 

Trước đó vào giữa tháng 5/2023, tăng trưởng GDP thực tế quý I của Nhật Bản được ước tính tăng 1,6%.

Với việc tăng trưởng GDP quý IV/2022 cũng được điều chỉnh tăng 0,4%, kinh tế Nhật Bản được xác nhận thoát khỏi tình trạng suy giảm.

Với việc nền kinh tế tiếp tục phục hồi kể từ khi chính phủ dỡ bỏ các hạn chế phòng COVID-19, các công ty Nhật Bản đã đẩy mạnh các khoản đầu tư bị hoãn lại trong đại dịch. Chính phủ cho biết chi tiêu cho tư liệu sản xuất tăng 1,4%, cao hơn so với mức 0,9% trong bản báo cáo công bố giữa tháng 5/2023. Kết quả này phản ánh các công ty đang tăng đầu tư để tăng sản lượng.

Tăng trưởng tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn một nửa nền kinh tế Nhật Bản, đã được điều chỉnh giảm nhẹ từ 0,6% xuống mức 0,5%. Mặc dù nhu cầu tiêu dùng đang bị kìm hãm, tiêu dùng cá nhân tiếp tục phục hồi mặc dù giá cả hàng hóa hàng ngày vẫn đang tăng.

Ông Shinichiro Kobayashi, một nhà kinh tế cấp cao tại bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn UFJ Mitsubishi, đánh giá báo cáo cung cấp bằng chứng cho thấy kinh tế Nhật Bản đã phục hồi hoàn toàn. Câu hỏi đặt ra là liệu động lực này có được duy trì hay không.

Vị chuyên gia cho biết những dữ liệu gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng đang chậm lại trong quý II/2023. Theo ông, chi tiêu cá nhân dường như đã “hạ nhiệt” vào tháng gần đây, một phần vì thu nhập thực tế giảm trong khi giá cả tăng. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại vì đã có hy vọng rằng việc chính phủ dỡ bỏ mọi hạn chế phòng phống COVID-19 sẽ thúc đẩy nền kinh tế đi lên.

Các công ty lớn đã đồng ý tăng lương để bắt kịp với tốc độ tăng của lạm phát, trong khi tính bền vững của tăng trưởng tiền lương được xem là đóng vai trò thiết yếu để hỗ trợ nhu cầu trong nước.

Báo cáo GDP được điều chỉnh còn cho thấy lượng hàng lưu trữ trong kho cao hơn so với báo cáo trước đó. Đây là một yếu tố tích cực, báo hiệu các công ty đã và đang hoạt động sản xuất.

Sự hồi sinh của du lịch trong nước kể từ khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới làm tăng chi tiêu của du khách nước ngoài, đóng góp vào thống kê xuất khẩu trong bản báo cáo. Tuy nhiên, xuất khẩu tổng thể vẫn giảm 4,2% trong quý I/2023 do số lượng ô tô và máy móc được xuất đi suy giảm. Đầu tư công tăng 1,5%, giảm từ mức ước tính 2,4% của báo cáo trước.

Tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại, do lãi suất tăng vọt ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác sẽ tác động nhu cầu và lạm phát. Nhu cầu ở nước ngoài giảm là điềm báo xấu cho Nhật Bản, nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) kỳ vọng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm nay, tức là vẫn dưới mức trước đại dịch. OECD đã cảnh báo rủi ro về bất ổn kéo dài lâu hơn do lạm phát có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến. Nền kinh tế Nhật Bản được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều là 1,3% trong năm nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục