Nhật Bản thông qua dự thảo ngân sách tài khóa 2021 cao kỷ lục

10:58' - 21/12/2020
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 21/12, Nội các Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách cho tài khóa 2021, với tổng trị giá lên tới 106.610 tỷ yen (1.030 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay.

Nếu dự thảo này được Quốc hội thông qua, đây là năm thứ 3 liên tiếp ngân sách thường niên của Nhật Bản vượt ngưỡng 100.000 tỷ yen.

So với ngân sách cao kỷ lục trước đó mà Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng là 102.658 tỷ yen trong tài khóa 2020, ngân sách của tài khóa tới cao hơn 3.952 tỷ yen. 

Trong dự thảo ngân sách mới, các khoản chi cho an sinh xã hội sẽ tăng lên mức kỷ lục 35.840 tỷ yen, chiếm khoảng 1/3 ngân sách, chủ yếu do dân số Nhật Bản đang già đi nhanh chóng dẫn đến chi phí chăm sóc sức khỏe và lương hưu tăng cao.

Mức tăng chi tiêu cho an sinh xã hội dự kiến khoảng 480 tỷ yen, nhưng Chính phủ Nhật Bản sẽ giảm xuống còn khoảng 350 tỷ yên bằng các biện pháp như hạ giá thuốc.

Trong khi đó, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản trong tài khóa 2021 sẽ vào khoảng 5.340 tỷ yen, tăng 0,5% so với tài khóa 2020. Đây là năm thứ 7 liên tiếp ngân sách quốc phòng của nước này tăng cao kỷ lục trong bối cảnh Tokyo đang nỗ lực tăng cường năng lực trong các lĩnh vực mới như không gian mạng và vũ trụ.

Bên cạnh đó, sự gia tăng ngân sách quốc phòng một phần do Nhật Bản dự kiến sẽ chi 33,5 tỷ yen trong tài khóa tới để phát triển tên lửa tầm xa phóng từ máy bay có khả năng tấn công các tàu địch từ bên ngoài tầm bắn của chúng.

Ngoài ra, trong dự thảo ngân sách mới còn có quỹ dự phòng trị giá 5.000 tỷ yen, chủ yếu phục vụ việc ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo quy định hiện hành, Chính phủ Nhật Bản có thể sử dụng quỹ dự phòng này không cần sự thông qua của Quốc hội.

Để tài trợ cho dự thảo ngân sách này, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ phát hành 43.600 tỷ yen trái phiếu, tăng 11.040 tỷ yen so với kế hoạch phát hành trái phiếu để tài trợ cho ngân sách trong tài khóa 2020. Đây sẽ là lần đầu tiên trong 11 năm qua Chính phủ Nhật Bản tăng khối lượng phát hành trái phiếu để bù đắp chênh lệch thu-chi ngân sách.

Nguồn thu từ thuế trong tài khóa tới có thể chỉ đạt 57.450 tỷ yen cho dù  tăng so với con số ước tính 55.130 tỷ yen trong tài khóa 2020 nhờ việc tăng thuế tiêu dùng và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng mạnh.

Như vậy, 40,9% chi ngân sách trong tài khóa 2021 sẽ được tài trợ bằng nợ, tăng mạnh so với con số 31,7% trong tài khóa hiện nay. Tỷ lệ này có thể sẽ tăng nếu chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide dự thảo các ngân sách bổ sung như đã làm trong tài khóa 2020 để giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế. Điều đó khiến không ít người quan ngại về vấn đề nợ công của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.

Tính đến cuối tháng 3/2020, tổng nợ công của Nhật Bản là khoảng 1,106 triệu tỷ yen, cao hơn gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm của nước này. Con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 1,201 triệu tỷ yen vào tháng 3 tới và khoảng 1,209 triệu tỷ yen 1 năm sau đó.

Trong khi đó, Chính phủ vẫn giữ mục tiêu đưa cán cân cơ bản (nguồn thu từ thuế trừ các khoản chi khác không kể chi phí trả nợ) về dương vào tài khóa 2025. Cán cân cơ bản của Nhật Bản có thể sẽ thâm hụt 20.360 tỷ yen trong tài khóa 2021, tăng 10.740 tỷ yen so với kế hoạch ban đầu của tài khóa 2020.

Trước đó, ngày 15/12, Nội các Nhật Bản đã thông qua gói ngân sách bổ sung thứ 3 trị giá 21.840 tỷ yen (khoảng 210 tỷ USD) cho tài khóa 2020, trong đó có 4.358,1 tỷ yen chi cho các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; 11.676,6 tỷ yen cho cải cách kinh tế; 3.141,4 tỷ yen chi cho các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Các khoản chi trên sẽ làm tăng tổng chi ngân sách của Nhật Bản trong tài khóa 2020 lên trên 175.000 tỷ yen.

Theo kế hoạch, Chính phủ Nhật Bản sẽ trình 2 dự thảo ngân sách trên lên Quốc hội khi cơ quan lập pháp nhóm họp vào giữa tháng 1/2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục