Nhật ký Trường Sa: Tổ quốc gọi tên mình

09:49' - 25/01/2018
BNEWS "Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình, bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá..."
Nhà báo Đức Hùng tại đảo Trường Sa. Ảnh: NVCC

"Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình, bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá. Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả, bão tố dập dồn, giăng lưới, bủa vây... Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước, một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau...".

Đó là lời bài hát "Tổ quốc gọi tên mình" mà tôi rất yêu thích. Không phải chỉ bởi giai điệu hùng tráng của bài hát, mà còn bởi ca từ rất đẹp, rất ý nghĩa, khơi gợi niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, nhất là tình cảm đặc biệt dành cho Trường Sa và Hoàng Sa trong mỗi người con đất Việt.

Trong mỗi dịp liên hoan ở Hà Nội, tôi vẫn thường hát bài hát này. Khi đó Trường Sa trong tôi còn rất mơ hồ, xa xôi, cách trở và tôi mơ một ngày sẽ được hát bài hát này ở Trường Sa!

Và giấc mơ đó đã thành hiện thực. Tôi đã may mắn được cơ quan cử đi công tác Trường Sa, cùng với 130 nhà báo Trung ương và địa phương, đưa tin về hoạt động trao tặng quà và đón tết của quân, dân tại quần đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Trong hải trình này, tôi được ăn, ở, sinh hoạt cùng với các cán bộ chiến sỹ Đoàn Trường Sa, được trải nghiệm những ngày biển đẹp lẫn những lúc biển động, niềm hân hoan khi câu được cá đại dương, được thử cảm giác của những đợt gió cấp 7, cấp 8 giật cấp 9, được nếm vị mặn chát của Biển Đông khi đi xuồng máy gặp những đợt sóng cả táp rát mặt hay xô cả vào người, hiểu được nỗi gian truân và hiểm nguy của việc chạy xuồng giữa biển khi "Mẹ Biển Đông" nổi giận, được trải qua cảm giác say sóng và những bữa cơm không trọn vẹn vì sóng biển hất đổ!...

Chưa bao giờ Trường Sa lại gần gũi, thân thương với tôi như lúc này. Trường Sa trong tôi là vùng đất dù trải qua bão gió mưa giông thế nào, vẫn luôn luôn tồn tại mầm xanh vươn lên.

Trường Sa trải qua bao bão gió mưa giông vẫn luôn luôn tồn tại mầm xanh vươn lên. Ảnh: Đức Hùng/TTXVN

Nói tới Trường Sa là nói tới những con người bình dị nhưng lại là những tấm gương hy sinh cao cả, đó là thiếu uý Hải quân, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Trần Văn Phương trước khi hy sinh dưới họng súng của quân thù xâm lược đã nói: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng hải quân anh hùng".

Đó còn là những người lính, những cán bộ, nhân viên vì nhiệm vụ mà nhiều năm liền phải ăn tết xa nhà, là những chiến sỹ biên phòng coi đồn là nhà biển đảo là quê hương, là những ngư dân đang ngày đêm bám biển, là những người lính phải lên đường làm nhiệm vụ khi vợ trở dạ, vợ sinh nhưng không được nhìn thấy mặt con, khi hoàn thành nhiệm vụ trở về con nhỏ không nhận ra cha.

Còn rất nhiều, rất nhiều tấm gương hy sinh cao cả, những câu chuyện cảm động về những con người bình dị đang ngày đêm âm thầm góp phần vào sự nghiệp giữ vững và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thầy Thích Thiện Viên tu hành tại chùa Trường Sa, đã đọc cho tôi một câu thơ rất hay khi nói chuyện về Trường Sa: "Nếu chẳng một phen sương thấm lạnh, hoa mai đâu dễ toả mùi hương".

Có nghĩa là phải trải qua phong ba, bão táp con người ta mới tới được Trường Sa, hơn nữa mới hiểu và thêm yêu quý con người và cuộc sống nơi đây.

Ngoài ra, theo tôi, phải trải qua sóng gió cuộc đời, con người mới trưởng thành được, trong khó khăn, gian khổ, ta mới tìm thấy vinh quang.

Cũng như Trường Sa vì cả nước, nên sẽ nhận được tình cảm yêu quý của cả nước dành cho Trường Sa thân yêu!./.

Viết từ Đảo Trường Sa ngày 21/1/2018

>>> Nhật ký Trường Sa: Tết sớm, ấm tình đồng đội nơi đầu sóng ngọn gió

>>> Nhật ký Trường Sa: Khi lính đảo xem bóng đá

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục