Nhiều doanh nghiệp dệt may được vinh danh “Doanh nghiệp vì người lao động 2017”

19:08' - 03/12/2017
BNEWS Ngành dệt may có 11/74 doanh nghiệp được vinh danh tại Lễ vinh danh “Doanh nghiệp vì người lao động 2017” với chủ đề “Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững”.
Nhiều doanh nghiệp dệt may được vinh danh “Doanh nghiệp vì người lao động 2017”. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ngành dệt may có 11/74 doanh nghiệp được vinh danh tại Lễ vinh danh “Doanh nghiệp vì người lao động 2017” với chủ đề “Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững” vào cuối tháng 11 vừa qua do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.
Trong số 11 doanh nghiệp được vinh danh, có 7 doanh nghiệp được xếp hạng “Doanh nghiệp vì người lao động năm 2017”; 2 doanh nghiệp nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và 2 doanh nghiệp nhận Bằng khen của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì người lao động” được đánh giá dựa trên bộ tiêu chí chặt chẽ do các chuyên gia về lao động và công đoàn xây dựng, đảm bảo phản ánh sâu sát tình hình thực tế sử dụng và đãi ngộ người lao động của doanh nghiệp trên các khía cạnh thu nhập, đào tạo, môi trường làm việc, các phúc lợi xã hội và các hoạt động bồi dưỡng thể chất cũng như tinh thần. Đặc biệt, bộ tiêu chí dành điểm ưu tiên đặc biệt đối với những doanh nghiệp có chế độ phúc lợi cho người lao động cao hơn và thực hiện tốt hơn quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp được xếp hạng cũng được lấy ý kiến từ các cấp công đoàn ở ngành, địa phương và các Sở Lao động Thương binh và xã hội trên toàn quốc.
Chương trình nhằm mục đích nâng cao nhận thức của xã hội về chăm lo nguồn lực quý giá nhất là con người, qua đó động viên các doanh nghiệp chăm lo thiết thực hơn nữa cho người lao động, thực hiện tốt chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện an sinh xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế. Đây cũng là diễn đàn tôn vinh, lan tỏa trách nhiệm xã hội và thương hiệu của các doanh nghiệp đến cộng đồng.
Ngành dệt may là ngành duy nhất có Thỏa ước lao động tập thể, mọi quyền lợi của người lao động đều cao hơn luật định, nhiều doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam và ngành dệt may Việt Nam đã nỗ lực không ngừng nhằm cải thiện môi trường làm việc, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp quyền lợi của người lao động cũng như lợi ích xã hội nhằm tiến tới phát triển bền vững trong quá trình hội nhập và phát triển.
Đại diện doanh ghiệp được nhận giải, bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Quốc tế Phong Phú, chia sẻ, do đặc thù kinh doanh ngành dệt may, nên công ty sử dụng 65% lao động nữ. Ngoài các chính sách lương bổng và phúc lợi tốt, Công ty CP Quốc tế Phong Phú có nhiều chính sách chăm lo cho cuộc sống của người lao động nữ. Cụ thể, như hỗ trợ nhà trọ, lương thưởng cho lao động. Ngày 8.3, 100% lao động nữ đều được tặng quà. Tổ chức các cuộc thi văn nghệ, biểu diễn thời trang… thu hút đông đảo chị em tham gia. Đặc biệt Công ty còn tổ chức một câu lạc bộ bóng đã nữ để chị em tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe. Việc chăm lo cho các cháu là con của công nhân lao động cũng được làm hằng năm.
Cũng theo bà Liên, tác động của cuộc Cách mạng 4.0 đang tác động rất lớn đến ngành dệt may, khi nhiều nơi đã thay thế con người bằng rô bốt. Biết được vấn đề này, Công ty tận dụng những cơ hội cách mạng 4.0 đem lại, nhập những thiết bị tự động hóa, bên cạnh đó sẽ đào tạo lại công nhân để họ điều khiển được những dây chuyền sản xuất. Nhưng ngành thời trang luôn có sự sáng tạo và khác biệt, nên cần đội ngũ khéo tay để nâng cao sản phẩm. Vì vậy Công ty CP Quốc tế Phong Phú chú trọng đào tạo đội ngũ có tay nghề cao.
Bà Trần Tường Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ cho biết, việc tham gia Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì người lao động” chính là dịp để tạo hình ảnh cho doanh nghiệp, là nơi để người lao động tin tưởng, cống hiến.
Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ngành dệt may Việt Nam là ngành mũi nhọn về xuất khẩu, mang nhiều ngoại tệ về cho đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng là ngành sử dụng nhiều lao động nhất cả nước. Việc ngành dệt may năm nay có tới 11 doanh nghiệp được xếp hạng “Doanh nghiệp vì người lao động năm 2017” và nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, VCCI sẽ là động lực khích lệ các doanh nghiệp dệt may tiếp tục sản xuất kinh doanh hiệu quả, có điều kiện tốt hơn để quan tâm chăm lo cho người lao động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục