Cạnh tranh trong ngành dệt may dự báo sẽ gay gắt hơn

15:46' - 03/11/2017
BNEWS Mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực dệt may được dự báo sẽ gay gắt hơn trong bối cảnh tiến bộ khoa học công nghệ và công nghệ thông tin.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Quá trình hội nhập ngày càng sâu và toàn diện đem đến các cơ hội phát triển thị trường, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị dệt may cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, nhưng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với chính các doanh nghiệp này.

Mức độ cạnh tranh được dự báo sẽ gay gắt hơn trong bối cảnh tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực dệt may và công nghệ thông tin tạo ra những thay đổi nhanh chóng về phương thức sản xuất và cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng.

Trong những năm qua, vai trò của ngành dệt may được khẳng định không chỉ ở phương diện xuất khẩu mà còn có những đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài ra, sự phát triển của ngành còn có sức lan tỏa đối với nhiều ngành nghề khác với tư cách là các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho ngành dệt may.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới ngày càng có những diễn biến phức tạp và sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc tạo ra những cơ hội đồng thời là những thách thức lớn cho ngành dệt may Việt Nam.

Để các doanh nghiệp dệt may có thể nhìn nhận đúng các vấn đề phát triển của ngành, những khó khăn, thách thức xuất khẩu dệt may năm 2018 và những năm sau; cũng như các cơ hội phát triển từ hội nhập, ngày 3/11/2017, Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh (Agtek) phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo “Triển vọng xuất khẩu dệt may năm 2018 và tương lai chuỗi giá trị toàn cầu”.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2016, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch của năm.

Trong sự phát triển chung đó, ngành dệt may đã có phần đóng góp đáng kể: năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành (gồm mặt hàng: xơ, sợi dệt, hàng dệt may, vải mành và vải kỹ thuật khác) đạt 28,1 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm 2015; nhập khẩu dệt may là 17 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2015; tỷ lệ giá trị gia tăng của hàng dệt may là 51,3%, tăng 0,3% so với năm 2015.

Trong 9 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 23 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 14 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ; tỷ lệ giá trị gia tăng của hàng dệt may là 50,1%, giảm 2,4% so với cùng kỳ. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong năm 2017 có thể đạt 31 tỷ USD, tăng trên 10% so với năm 2016.

Như vậy có thể thấy, dệt may là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, do phương thức sản xuất chủ yếu là gia công cho các đơn hàng nước ngoài nên tỷ lệ giá trị gia tăng không cao. Một trong những điểm yếu hiện nay là chưa phát triển được chuỗi cung ứng dệt may, và đây là nguyên nhân chính làm cho ngành dệt may có giá trị gia tăng thấp so với nhiều nước trên thế giới.

Để khắc phục những tồn tại trên, nhằm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm dệt may xuất khẩu, Chính phủ và các Bộ ngành đang từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; trong đó, có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may, từ đó góp phần phát triển chuỗi cung ứng trong ngành dệt may Việt Nam.

Máy thêu tự động được được lập trên trêm máy tính. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp. Hồ Chí Minh cho biết, quá trình hội nhập ngày càng sâu và toàn diện đem đến các cơ hội phát triển thị trường, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị dệt may cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, nhưng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp dệt may.

Mức độ cạnh tranh được dự báo sẽ gay gắt hơn trong bối cảnh tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực dệt may và công nghệ thông tin tạo ra những thay đổi nhanh chóng về phương thức sản xuất và cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng.

Cũng theo ông Phạm Xuân Hồng, doanh nghiệp muốn tồn tại được chỉ bằng cách tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, trong thách thức cũng mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp tự nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư chiều sâu vào kỹ thuật, công nghệ mới với năng suất cao hơn.

Nói về triển vọng của ngành dệt may năm 2018, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên, cho biết, với các doanh nghiệp lớn, đơn hàng trong năm 2018 không là vấn đề lớn. Tuy nhiên, ông Dương lưu ý, về đơn giá các mặt hàng dệt may lại đang có xu hướng giảm và việc giảm giá ở nhiều khu vực thị trường sẽ tác động đến xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong thời gian tới.

Bện cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như chi phí sản xuất tăng cao, giá trị gia tăng thấp và năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp còn chưa theo kịp với xu hướng hiện nay, đó cũng là một thách thức không nhỏ cho ngành dệt may. Do đơn hàng xuất khẩu có thể giảm nhưng các khoản chi phí đầu vào ở Việt Nam như tiền lương, chi phí khác... đều tăng.

Hội thảo đã thu hút được các ý kiến thảo luận sôi nổi về những vấn đề trong quá trình thích nghi với hội nhập và tiến bộ khoa học công nghệ, các hiệp định thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực; khả năng liên kết/hợp tác giữa các doanh nghiệp dệt may Việt Nam (ví dụ giữa các doanh nghiệp phía Nam và phía Bắc...) để tận dụng cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành./.

>>>Đầu tháng 11 diễn ra triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may ở Hà Nội

>>>VITAS kiến nghị bỏ quy định về tăng thuế nhập khẩu đối với xơ polyester

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục