Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc phải bán tài sản để đảm bảo thanh khoản

16:42' - 22/06/2020
BNEWS Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (KERI), các doanh nghiệp nước này đang phải vay thêm tiền hoặc bán tài sản để đảm bảo thanh khoản, trong bối cảnh nền kinh tế bị suy yếu do đại dịch COVID-19.

Cụ thể, KERI cho biết, số nợ quá hạn của 623 công ty niêm yết tại Hàn Quốc đã lên tới 386.700 tỷ won (tương đương 318,6 tỷ USD) tính đến cuối tháng 3/2020, tăng 20.000 tỷ won (16,4 tỷ USD) so với quý trước đó.

Trong tổng số nợ quá hạn tăng thêm nêu trên, khoảng 5.000 tỷ won (4,1 tỷ USD) đến từ trái phiếu doanh nghiệp mới, trong khi 15.000 tỷ won (12,3 tỷ USD) còn lại đến từ các khoản vay ngân hàng mới.

Báo cáo của KERI cho biết, dòng tiền của các công ty đã suy yếu, trong khi sự phụ thuộc vào nợ của họ tăng lên, do những cú sốc bất ngờ từ đại dịch COVID-19 và giá dầu toàn cầu lao dốc. Tỷ lệ phụ thuộc vào nợ trung bình của 624 công ty niêm yết lên tới 22,5% vào cuối tháng Ba, so với 21,6% ghi nhận ba tháng trước đó.

KERI cho biết thêm rằng các ngành hàng không, bán lẻ, du lịch và đóng tàu có dòng tiền ra lớn hơn so với dòng tiền vào trong giai đoạn từ tháng 1-3/2020, trong khi lượng dòng tiền đổ vào ngành dệt may đã giảm xuống còn 1/10 so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính theo ngành, ngành hàng không trong quý I/2020 có mức phụ thuộc nợ tăng cao nhất là 5,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ một năm trước đó. Tiếp theo là ngành đóng tàu với mức tăng 2,3 điểm phần trăm và ngành du lịch với mức tăng 1,4 điểm phần trăm

Trong bối cảnh xuất khẩu và nhu cầu địa đang trong trạng thái suy yếu, một số viện kinh tế nước ngoài cảnh báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc có thể rơi vào vùng âm trong nửa đầu năm nay.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế Hàn Quốc có thể sẽ giảm 1,2% trong năm nay, giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ trải qua một năm tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái hồi những năm 1930 do ảnh hưởng của dịch bệnh./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục