Nhiều doanh nghiệp lớn trong nông nghiệp đầu tư ra nước ngoài

15:36' - 06/11/2020
BNEWS Ngày càng nhiều các công ty, tập đoàn lớn như Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk, TH... đầu tư ra nước ngoài với nhiều lĩnh vực.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng có những chuyển biến lớn. Nếu giai đoạn ban đầu, đầu tư ra nước ngoài chỉ tập trung vào cây công nghiệp như cây cao su và tại một số ít địa bàn như Lào, Campuchia, thì những năm gần đây đã có sự mở rộng sang nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi và chế biến sữa, nuôi trồng thủy sản. 

Địa bàn đầu tư cũng đã được mở rộng ra nhiều nước như New Zealand, Hoa Kỳ, Nga, Australia, Slovenia…  Cùng với đó, ngày càng nhiều hơn sự tham gia của các công ty, tập đoàn lớn như Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Bảo vệ thực vật An Giang…

Tính đến hết năm 2019, Lào và Campuchia vẫn là 2 địa bàn hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư Việt Nam. Tổng số các dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp tại Campuchia là 55 dự án với tổng vốn đăng ký là 1.903 triệu USD, tại Lào là 47 dự án với tổng vốn đăng ký là 857,79 triệu USD.

Các ngành nghề đầu tư yếu của Việt Nam vào Lào và Campuchia là cây công nghiệp;  trong đó, đầu tư tại Lào là 32 dự án với tổng vốn đăng ký là 445,37 triệu USD, tại Campuchia là 48 dự án với tổng vốn đăng ký là 1.709 triệu USD.

Chẳng hạn như Vinamilk bắt đầu đầu tư sang Lào từ năm 2018 với các hoạt động chính là trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh các sản phẩm thịt và sữa. Tổng vốn đăng ký đầu tư sang Lào là 66,41 triệu USD, quy mô dự án là xây dựng trang trại bò sữa hữu cơ 4.000 con và trang trại bò sữa cao sản 4.000 con. Năm 2019-2020, Công ty đã ký hợp đồng thuê 5.000 ha đất  để bắt đầu trồng trọt, canh tác nông nghiệp.

Vinamilk cũng liên doanh đầu tư xây dựng nhà máy sữa Angkor tại Campuchia từ năm 2014 với tổng vốn đầu tư là 23 triệu USD. Nhà máy được vận hành với công suất ban đầu là 19 triệu lít sữa nước, 64 triệu hũ sữa chua và 80 triệu hộp sữa đặc mỗi năm. Vào giai đoạn sau, nhà máy dự kiến sẽ đẩy công suất lên 38 triệu lít sữa nước, 192 triệu hũ sữa chua mỗi năm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hành lang pháp lý về đầu tư ra nước ngoài ngày càng được hoàn thiện phù hợp với bối cảnh mới. Các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài được Chính phủ, các Bộ, ban ngành ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai. Các dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp được Chính phủ các nước đánh giá tốt, có hiệu quả kinh tế cao, bước đầu có doanh nghiệp đã có lợi nhuận chuyển về.

Tuy nhiên, các dự án đầu tư ra nước ngoài còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do sự khác biệt về văn hóa, pháp luật và môi trường. Nhiều dự án đầu tư còn gặp khó khăn về lao động, bảo hiểm, chuyển tiền về nước, thủ tục xuất nhập khẩu vật tư thiết bị và hàng hóa…

Giá cả cũng như thị trường nông sản thường xuyên biến động, đặc biệt trong năm 2020, do ảnh hưởng của COVID-19, việc xuất nhập khẩu, giao thương hàng hóa ở nhiều thị trường gián đoạn khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài găp khó khăn lớn về tài chính.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn tới, đầu tư ra nước ngoài vào nông nghiệp có thể tập trung vào những ngành nghề đem lại hiệu quả tại cho doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài cũng như ngành nghề có tác dụng bổ trợ cho sản xuất trong nước như: nuôi, trồng và chế biến nông, lâm, thủy sản sản ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp; cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào nông nghiệp; giết mổ, bảo quản, chế biến gia cầm, gia súc; phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến.

Bên cạnh tiếp tục mở rộng đầu tư tại các thị trường truyền thống và vị trí địa lý thuận lợi như Lào, Campuchia, đầu tư ra nước ngoài vào nông nghiệp có thể tiếp tục mở rộng sang ASEAN cũng như các thị trường có nền nông nghiệp phát triển cao như EU, Hoa Kỳ…

Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sau khi đầu tư sang các thị trường có nền nông nghiệp phát triển như Vinamilk đầu tư sang New Zealand, Hoa Kỳ; TH đầu tư sang Nga đã thu được những thành công bước đầu và có những bước tiến lớn về tự chủ trong công nghệ.

Khi đầu tư ra nước ngoài sẽ nhiều thử thách nhưng cũng sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực nội tại của công ty, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và thế giới, hình thành những công ty có giá trị vững chắc mang tầm quốc tế, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đánh giá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục