Hoàn thiện khung pháp lý cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài

13:25' - 01/11/2020
BNEWS Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng đa dạng, thể hiện rõ nét qua thị trường, ngành nghề đầu tư, quy mô, hình thức đầu tư, các loại hình kinh tế và doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Sau hơn 30 năm hội nhập và phát triển, đến nay Việt Nam không chỉ là một quốc gia tiếp nhận đầu tư nước ngoài hàng đầu trong khu vực mà còn vươn lên trở thành quốc gia có nhiều doanh nghiệp, dự án đầu tư ra nước ngoài. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng đa dạng, thể hiện rõ nét qua thị trường, ngành nghề đầu tư, quy mô, hình thức đầu tư, các loại hình kinh tế và doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về hoạt động đầu tư ra nước ngoài, thực hiện nhiệm vụ được giao Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 20 tháng 2 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài, cùng với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp do Bộ Công Thương làm đại diện vốn chủ sở hữu đã chủ động, tích cực triển khai hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, thương mại.
Với vai trò là cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp trên, Bộ Công Thương đã thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và thương mại theo quy định tại Nghị định số 83/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư ra nước ngoài và các quy định pháp luật có liên quan khác.
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn tích cực, chủ động phối hợp và đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam.
Mặt khác, Bộ đã hỗ trợ các nhà đầu tư Việt Nam trong việc tư vấn, cung cấp thông tin thị trường, triển khai các hoạt động khảo sát, xúc tiến thương mại tại nước ngoài. Nhờ đó, đến nay, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã tạo được những dấu ấn nhất định.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã hình thành một khối lượng tài sản đáng kể gồm các nhà máy, cơ sở sản xuất ở nước ngoài với giá trị ước tính hàng tỷ USD. Ðây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài thời gian tới trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Bộ Công Thương cho biết, từ tháng 11 năm 2018, cùng với việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 6 Tập đoàn, Tổng Công ty từ Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực của các Tập đoàn, Tổng công ty gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PETROLIMEX) đã được chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phụ trách.
Kể từ thời điểm chuyển giao đến nay Bộ Công Thương đã thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương và phối hợp chặt chẽ cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để cùng tham gia, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại của doanh nghiệp; trong đó có các dự án đầu tư ra nước ngoài.
Dù vậy, bên cạnh những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam, cho các quốc gia và cộng đồng tiếp nhận đầu tư, thì đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp ngành công thương cũng như doanh nghiệp Việt Nam nói chung hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức.
Điều này thể hiện từ những khác biệt về văn hóa, pháp luật, môi trường giữa Việt Nam và các quốc gia tiếp nhận đầu tư này đã dẫn đến các tranh chấp ngoài mong muốn.
Bên cạnh đó là khả năng dự báo thị trường, năng lực quản lý vẫn còn nhiều hạn chế... dẫn đến hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp còn chưa cao, một số dự án đã phải dừng hoạt động, chuyển nhượng/tìm đối tác để chuyển nhượng. Hơn nữa, quá trình xử lý, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn đọng của các dự án này còn phức tạp và mất nhiều thời gian.
Theo Bộ Công Thương, nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với các bộ, ngành có liên quan tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam theo hướng tiệm cận thông lệ, pháp luật quốc tế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đầu tư ra nước ngoài.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế và tích cực tham gia vào các tổ chức quốc tế thông qua đàm phán, ký kết các hiệp định đầu tư song phương, đa phương nhằm bảo vệ các doanh nghiệp, gỡ bỏ các rào cản khi đầu tư trực tiếp ra nước ngoài…Tuy vậy, về phía doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cập nhật quy định chính sách mới, có thái độ hợp tác với nguyên tắc 2 bên cùng có lợi.
Mặt khác, doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật nước sở tại, luật pháp quốc tế và các chính sách, pháp luật có liên quan khác. Không những thế, bản thân doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài phải có ý thức trách nhiệm trong vấn đề tìm hiểu cơ chế chính sách pháp luật Việt Nam, cũng như các văn bản điều ước quốc tế và pháp luật nước sở tại.
Đặc biệt, tiếp tục nâng cao năng lực dự báo thị trường, năng lực quản lý, năng lực tài chính của doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài… nhằm mang lại hiệu quả cao nhất khi đầu tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục