Nhiều dự án đầu tư góp phần tạo các điểm nhấn cho du lịch Phú Quốc

13:26' - 27/09/2023
BNEWS Với lợi thế vượt trội và được đầu tư đúng hướng, thành phố Phú Quốc đã thu hút 318 dự án đầu tư còn hiệu lực trong đó có 52 dự án đã đưa vào hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 17.389 tỷ đồng.

Với lợi thế vượt trội và được quan tâm đầu tư đúng định hướng, hiện nay thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) thu hút 318 dự án đầu tư còn hiệu lực với diện tích sử dụng khoảng 10.676 ha; trong đó có 52 dự án đã đưa vào hoạt động với diện tích hơn 1.182 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 17.389 tỷ đồng.

Đây là thông tin được ông Phạm Văn Nghiệp - Phó chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc chia sẻ tại hội thảo khoa học “Giải pháp thu hút đầu tư và phát triển bền vững du lịch Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiêng Giang” do Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ phối hợp với địa phương này tổ chức ngày 27/9 tại thành phố Phú Quốc.

 

Theo ông Phạm Văn Nghiệp, nhiều dự án du lịch, khu vui chơi giải trí đẳng cấp của các tập đoàn kinh tế lớn như Vin Group, Sun Group, BIM Group, CEO Group... đã đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả, tiêu biểu như Vườn thú Safari, Công viên chủ đề VinWonders, thành phố không ngủ Grand World, cáp treo An Thới - Hòn Thơm... cùng hệ thống các khu nghỉ dưỡng cao cấp với hơn 24.000 phòng; trong đó có 26 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao với 11.252 phòng.

Liên quan đến thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch tại Phú Quốc, đại diện Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, việc tạo môi trường, điều kiện thu hút đầu tư thông thoáng và tích cực đã góp phần giúp các nhà đầu tư, các doanh nghiệp triển khai nhanh nhiều dự án. Đến nay, tại Phú Quốc đã có nhiều dự án du lịch, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp được đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả tạo thành điểm nhấn.

Thông qua các hoạt động kêu gọi, xúc tiến đầu tư trong ngoài và nước với những cơ chế thông thoáng, ưu đãi hấp dẫn, tình hình đầu tư Phú Quốc đã có bước phát triển đột phá, thu hút nhiều tập đoàn kinh tế lớn quan tâm tìm hiểu và triển khai dự án đầu tư tại Phú Quốc. Bên cạnh đó, các quyết sách của cả hệ thống chính trị thì sự đồng hành của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Đảo Ngọc Phú Quốc.

Theo thống kê, nếu như năm 2015, Phú Quốc chỉ có 650 doanh nghiệp với vốn đăng ký 20.228 tỷ đồng thì đến nay thành phố đã có 4.356 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 141.302 tỷ đồng, tăng gấp 6,7 lần số doanh nghiệp thành lập và tăng 6,99 lần số vốn đăng ký. Cuối năm 2015, Phú Quốc chưa có nhiều dự án có quy mô lớn thì hiện nay Phú Quốc đã thu hút được 318 dự án đầu tư còn hiệu lực trong các khu quy hoạch với diện tích sử dụng đất khoảng 10.680 ha; trong đó có 312 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích 10.185ha; còn 7 dự án chưa thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư.

Cụ thể các nhà đầu tư lớn đã đầu tư vào các dự án trọng điểm về phát triển du lịch tại Phú Quốc như tập đoàn Vingroup với lượng vốn đầu tư là 9.000 tỷ đồng, bao gồm các dự án Vinpearl Phú Quốc, Vinpearl Villas Phú Quốc, Khu vườn bách thú hoang dã Safari (tổng số vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng trên diện tích 500 ha), Sân golf và một số dự án quan trọng khác.

Tập đoàn Sun Group với số vốn đầu tư là 8.627 tỷ đồng, bao gồm các dự án Khu nghỉ dưỡng J.W Mariott, Ritz-Carlton Resort & Spa, Premier Village Phú Quốc Resort, The Sebel Phú Quốc, Dự án cáp treo dài nhất thế giới và quần thể khu vui chơi giải trí biển Hòn Thơm (giai đoạn I gần 5.000 tỷ đồng). Ngoài ra, Tập đoàn BIM Group với vốn đầu tư là 1.267 tỷ đồng, Tập đoàn CEO Group với vốn đầu tư 1.258 tỷ đồng.

Đánh giá việc phát huy các dự án của các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch, bà Huỳnh Trang Kim Hoàng, Phó Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, những dự án đã đi vào hoạt động có các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế; hệ thống khách sạn với thương hiệu nổi tiếng như Park Hyatt, Intercontinental, Novotel, Accor...

Cùng đó là nhiều loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch như sản phẩm du lịch sinh thái gắn với tài nguyên du lịch biển, đảo; sản phẩm du lịch gắn liền với các di tích lịch sử, các công trình văn hóa và danh lam thắng cảnh; sản phẩm du lịch làng nghề; sản phẩm du lịch gắn liền với lễ hội, tín ngưỡng; sản phẩm du lịch MICE. Các sản phẩm độc đáo hiện đại mang tầm cỡ quốc tế nêu trên có khả năng thu hút hàng trăm nghìn du khách tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mỗi ngày.

Để cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, thời gian qua, thành phố Phú Quốc đã tích cực cải cách hành chính, tăng cường rà soát thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, bớt thủ tục, giảm chi phí thực hiện, nhất là ở lĩnh vực đầu tư, quy hoạch - xây dựng, đất đai, cấp phép lao động...

Đồng thời, triển khai trên hệ thống dịch vụ công điện tử, áp dụng quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong thực hiện thủ tục hành chính; thường xuyên cung cấp thông tin về dự án kêu gọi đầu tư, chế độ chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư được áp dụng. Các quy hoạch, danh mục dự án đầu tư phát triển du lịch, cải cách thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư du lịch, cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh... đều được nêm yết công khai tại cơ quan chuyên môn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục