Nhiều dư địa tăng xuất khẩu thủy sản ở Trung Đông

18:33' - 22/06/2018
BNEWS Với nhu cầu tiêu thụ thủy sản ngày càng tăng, Trung Đông được xem là một trong những thị trường mới và còn nhiều dư địa tăng trưởng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới
Chế biến các sản phẩm từ cá tra tại Nhà máy thủy sản Ấn Độ Dương. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do điều kiện tự nhiên nên hầu hết các nước Trung Đông không sản xuất được các mặt hàng nông nghiệp; trong đó có thủy sản. Do vậy, đây là thị trường có nhu cầu rất lớn về các mặt hàng thủy sản như tôm, cá tra, cá ngừ hộp, cá thu hộp, cá khô…

Trong giai đoạn từ 2007-2017, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này trung bình đạt khoảng 300 triệu USD/năm và liên tục tăng trưởng qua các năm. Hiện, thủy sản là một trong 5 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Đáng chú ý, mặt hàng cá tra Việt đã có chỗ đứng và tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng ở thị trường này.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Ngọc Xuân, ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống là EU, trong thời gian gần đây, doanh nghiệp này mở thêm thị trường xuất khẩu mới ở khu vực Trung Đông, nhất là Ai Cập.

Nếu như các khách hàng Trung Quốc hay EU ưa chuộng sản phẩm cá tra có kích cỡ nhỏ thì người tiêu dùng ở khu vực Trung Đông lại thích dùng sản phẩm cỡ lớn. Điều này giúp doanh nghiệp tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có trong dân.

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá, một trong những doanh nghiệp đang xuất khẩu cá tra tại thị trường Trung Đông cũng cho biết, đây là thị trường khá tiềm năng cho xuất khẩu cá tra Việt Nam.

Nhu cầu tiêu thụ cá tra ở thị trường này khá đa dạng, tùy vào hàm lượng độ ẩm và tỷ lệ mạ băng trong sản phẩm mà sản phẩm cá tra có mức giá khác nhau.

Ngoài cá tra, sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam cũng có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Đông. Hiện thuế nhập khẩu cá ngừ đóng hộp vào hầu hết các nước Trung Đông là 5%, trừ Libya, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ. Mức thuế này rất thấp so với các nước như Mỹ và EU. Còn đối với các sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh nhập khẩu vào Trung Đông đang được miễn thuế nhập khẩu.

Mặc dù, Thái Lan là nhà cung cấp cá ngừ chính cho thị trường Trung Đông, tuy nhiên, do giá cá ngừ tại Bangkok tăng nên các nước Trung Đông có xu hướng tìm các nguồn cung có giá rẻ hơn để thay thế. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tại thị trường này ngày càng tăng, yêu cầu về chất lượng không quá khắt khe nên sẽ có nhiều nước chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này như Indonesia, Philippines hay Việt Nam.

Theo đánh giá của VASEP, trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản vào các thị trường truyền thống như Châu Âu và Nam Mỹ đang có xu hướng giảm, thì Trung Đông chính là một trong những thị trường đầy tiềm năng cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Đây là khu vực thị trường có khả năng thanh toán cao, nhu cầu lớn và đa dạng đối với các loại mặt hàng thủy sản. Tiêu chuẩn chất lượng áp dụng đối với nhóm hàng này cũng không quá khắt khe như tại các thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản.

Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Đông, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về văn hóa và xã hội các nước Trung Đông để có những sản phẩm phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu đặc trưng từ thị trường. Đặc biệt, đối với các mặt hàng chế biến cần có chứng nhận Halal (những quy định được phép theo Luật Hồi giáo, nghĩa là không chứa cồn, không chứa nguyên liệu từ thịt lợn).

VASEP cũng lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này cần chú trọng việc cải thiện và phát triển các kênh phân phối; dự các hội chợ triển lãm về thủy hải sản quốc tế (như SEAFEX), tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, các đoàn khảo sát, nghiên cứu thị trường… Đồng thời, các doanh nghiệp Việt cũng cần chủ động đối phó với các rủi ro (do ảnh hưởng của biến động chính trị) khi thực hiện hoạt động kinh doanh tại Trung Đông./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục