Nhiều hãng thời trang hủy các đơn hàng trị giá hàng tỷ USD do COVID-19

10:48' - 18/10/2020
BNEWS Theo tổ chức Clean Clothes Campaign, các hãng thời trang đã hủy nhiều đơn hàng trị giá hàng tỷ USD vào đầu năm nay do hàng loạt cửa hàng trên thế giới bị đóng cửa vì dịch COVID-19.

Hàng triệu công nhân may mặc trên thế giới có nguy cơ bị mất việc làm khi các nhà cung cấp hàng dệt may đang gặp khó khăn do các hãng thời trang liên tục yêu cầu hạ giá sản phẩm và cho chậm thanh toán.

Theo nghiên cứu của Trung tâm vì Quyền của người lao động toàn cầu (CGWR) thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) mới công bố, các thương hiệu thời trang đã yêu cầu các nhà cung cấp sản phẩm dệt may, vốn đang lao đao vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, giảm giá sản phẩm 12% so với mức giá của năm 2019.

Kết quả khảo sát 75 xưởng may tại 15 quốc gia trên thế giới cho thấy các nhà cung cấp đã phải đợi trung bình 77 ngày để được thanh toán đơn hàng, so với 43 ngày trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tình trạng này làm dấy lên lo ngại ngành may mặc trên toàn cầu với 60 triệu lao động sẽ phải đóng cửa thêm nhiều xưởng sản xuất.

Ông Mark Anner, Giám đốc CGWR đồng thời là tác giả nghiên cứu, cảnh báo các nhà cung cấp đang đối mặt với sức ép lớn phải hạ giá sản phẩm cũng như bị chậm thanh toán và hủy đơn đặt hàng, làm ảnh hưởng đến doanh thu và việc làm của người lao động. Ông Mark Anner lưu ý các nhà cung ứng nhỏ và vừa sẽ bị tác động trước tiên.

Theo tổ chức Clean Clothes Campaign, các hãng thời trang đã hủy nhiều đơn hàng trị giá hàng tỷ USD vào đầu năm nay do hàng loạt cửa hàng trên thế giới bị đóng cửa vì dịch COVID-19. Nhiều nhà cung cấp đã phải cắt giảm 10% nhân viên và con số này có thể lên đến 45%, tương đương hàng triệu lao động, nếu số đơn hàng tiếp tục giảm. Trong khi đó, hơn 50% số xưởng may tham gia khảo sát cho biết sẽ phải đóng cửa nếu tình hình không cải thiện.

Hiện các thương hiệu thời trang và nhà cung cấp trên thế giới đang nỗ lực tìm giải pháp trong giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 hiện nay. Theo Tổ chức của Người sử dụng lao động Quốc tế (IOE) có trụ sở tại Geneva (Thụy Sỹ), các hãng thời trang đã cam kết tham gia chương trình Kêu gọi hành động trong ngành dệt may.

Chương trình này được thực hiện nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất vượt qua cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 và đảm bảo thu nhập của công nhân may mặc thông qua các kế hoạch cho vay và bảo trợ xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục